Học tập kinh nghiệm sản xuất

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn được tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình cấy lúa bằng máy tại huyện Bình Xuyên. Mô hình được triển khai với quy mô 40 ha, cấy bằng mạ khay cấy máy. Do mạ không bị đứt rễ nên bén rễ ngay sau khi cấy, mặt độ cấy được điều chỉnh hợp lý đã đẻ nhánh cao hơn so với phương pháp cấy tay, tỷ lệ sâu bệnh hại xuất hiện trên đồng ruộng giảm hơn, đồng thời giảm được công lao động, tiết kiệm chi phí thuê nhân công cấy cho hộ tham gia mô hình. Đoàn cũng thăm mô hình chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có múi. Mô hình được triển khai từ năm 2015 với quy mô 8 ha. Đến nay mô hình đã cho thu hoạch với năng suất từ 10 – 15 kg/cây, bình quân mỗi ha cho thu nhập hơn 100 triệu đồng và cho hiệu qua cao hơn nhiều lần so với những cây trồng kém hiệu quả như sắn, bạch đàn,… Tại mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại huyện Lập Thạch với quy mô 04ha, đoàn đã được nghe giới thiệu quy trình thực hiện mô hình, cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ sinh học đảm bảo cây phát triển bền, đẹp, ít sâu bệnh gây hại. Thời gian cho thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, hàng năm mô hình cho lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Đoàn tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc 

Tại thành phố Hà Nội, đoàn đến thăm mô hình trồng rau trái vụ bằng phương pháp che phủ nilon tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Đoàn được cán bộ hướng dẫn cho biết: “Khoảng hai đến ba năm nay tại các vùng trồng rau lớn của Hà Nội, nhiều nông dân đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật gieo trồng mới, tạo ra nhiều sản phẩm rau trái vụ đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy năng suất sản phẩm không cao bằng trồng chính vụ, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Đoàn đã thăm, làm việc với Ban lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và được giới thiệu về quá trình hình thành, hoạt động và sự phát triển của “Quỹ Khuyến nông” - nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố vay vốn để mở rộng, phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến, hiệu quả thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của thủ đô.

Ngoài ra, ở Hà Nội, đoàn cũng đến tham quan học tập kinh nghiệm của mô hình nuôi cá bằng công nghệ biofloc, mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng VietGAHP, mô hình trang trại Hoa Viên ở huyện Thạch Thất.

Đoàn thăm mô hình trồng rau trái vụ bằng phương pháp che phủ nilon tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội

Tại tỉnh Hà Nam, các thành viên  trong đoàn được trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm về liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân tại tỉnh Hà Nam, từ đó có kinh nghiệm trong việc tháo gỡ những khó khăn và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩn trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương. Đoàn cũng thăm  mô hình trồng rau hữu cơ Trác Văn, huyện Duy Tiên, và được Hội Phụ nữ xã Trác Văn chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân tham gia mô hình, quy hoạch vùng trồng rau, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và chính quyền tài trợ để xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ theo hướng bền vững.

Kết quả của chuyến khảo sát

Kết thúc chuyến khảo sát, học tập, mỗi thành viên trong đoàn đã nắm bắt thêm thông tin về các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tiên tiến; mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích để tuyên truyền tới bà con nông dân sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tại địa phương mình công  tác.

100% các thành viên trong đoàn đều đánh giá việc tổ chức khảo sát, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tiên tiến tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã nâng cao năng lực và tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ khuyến nông được học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong xây dựng mô hình khuyến nông tại các tỉnh có điều kiện gần tương đồng như Vĩnh Phúc, Hà Nam và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, qua chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm của đoàn sẽ tác động đến việc tăng cường các hoạt động giao lưu, phối hợp, liên kết, phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giữa các tỉnh góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay./.

 Nguyễn Mạnh Hà

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc