Cuộc họp có sự tham gia của 50 điểm cầu từ các đơn vị: JICA Nhật Bản và Việt Nam; các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT (Vụ Hợp tác Quốc tế, Trung tâm KNQG, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Viện Chính sách và Chiến lược PTNT, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản) và Sở NN&PTNT các tỉnh/TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Sơn La.

Theo báo cáo của JICA, từ năm 2010, JICA đã thực hiện các dự án hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ sản xuất cây trồng an toàn tại Việt Nam như: Dự án nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng (2010-2014), Dự án tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc (2016-2021). Tuy nhiên việc sản xuất cây trồng an toàn tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, đó là: mặc dù đã áp dụng GAP cơ bản nhưng người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được sản phẩm an toàn với sản phẩm không an toàn; chưa tạo ra sự khác biệt về giá cả trên thị trường đối với sản phẩm an toàn; chưa thực sự có chuỗi sản xuất rau, quả khép kín; cơ chế kiểm tra, xử phạt ở khâu lưu thông còn hạn chế,....

Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt văn kiện dự án “Chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng và quản lý chuỗi giá trị rau quả an toàn, bền vững tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản viện trợ và giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

Tại cuộc họp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trình bày tóm tắt một số thông tin về dự án. Theo đó, dự án được thực hiện trong 3 năm (2022-2024) tại 7 tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Sơn La. Dự án gồm 3 hợp phần chính: hợp phần 1 - Tăng cường sản xuất rau, quả an toàn nhờ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP cơ bản) và áp dụng công nghệ tiên tiến sau thu hoạch cho rau quả; hợp phần 2 - Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất rau quả an toàn (Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất rau quả an toàn; truy xuất nguồn gốc; thương mại rau quả an toàn); hợp phần 3 - Hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và huy động nguồn lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ nhóm nông dân sản xuất rau quả an toàn.

Đầu cầu tại TTKNQG lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia JICA

 

Trước khi triển khai dự án, các chuyên gia JICA đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhằm thảo luận với cơ quan đối tác phía Việt Nam và xác nhận những nội dung cần đánh giá tiền dự án, thống nhất khung hợp tác cụ thể thời gian thực hiện, địa bàn thực hiện, đối tượng hưởng lợi chính, mục tiêu, kết quả đầu ra, nội dung hoạt động của dự án, kế hoạch hoạt động, cơ chế thực hiện, trách nhiệm của mỗi bên (phía Nhật Bản và Việt Nam).

Theo kế hoạch, các chuyên gia JICA sẽ thực hiện các cuộc khảo sát trực tuyến từ ngày 25/8-13/9/2021 với các bên liên quan gồm cơ quan quản lý trung ương, cơ quan quản lý địa phương, nhóm nông dân và các tác nhân tham gia thị trường (thương lái, cửa hàng bán lẻ). Kết thúc khảo sát, các chuyên gia JICA sẽ xây dựng biên bản thỏa thuận hợp tác, trong đó làm rõ kết quả đầu ra cuối cùng mà dự án hướng tới cũng như các hoạt động phải thực hiện để đạt được kết quả đầu ra đó. Qua đó, xác nhận cơ chế thực hiện và vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan khi thực hiện dự án; hạng mục chi trả của phía Việt Nam và phía Nhật Bản khi thực hiện; thủ tục và các bước cần thiết trước khi bắt đầu triển khai thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng mặc dù dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra phức tạp, việc tổ chức đoàn khảo sát trực tiếp tại các đơn vị thuộc một số bộ, ngành và các địa phương không thực hiện được, tuy nhiên với hình thức họp trực tuyến, việc khảo sát thu thập thông tin và thảo luận giữa các chuyên gia JICA Nhật Bản và các đơn vị liên quan tại Việt Nam vẫn được kết nối và tổ chức tốt. Dự án được triển khai có ý nghĩa quan trọng và là cơ hội tốt cho các đơn vị tham gia học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản về sản xuất cây trồng an toàn, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện dự án, nâng cao kiến thức và kỹ năng về sản xuất rau, quả an toàn, kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý chuỗi rau quả an toàn, bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường,...

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ giao chủ trì dự án cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia Nhật Bản, các cơ quan đối tác Việt Nam để thực hiện thành công dự án này./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia