Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 tại Việt Nam, Hải Dương là một trong những địa phương phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội đối với một số địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp, khiến việc tiêu thụ nông sản đúng vụ thu hoạch của bà con gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng ngưng trệ. Tại thời điểm tháng 2/2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn khoảng 4.000 ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn cần tiêu thụ, trong đó có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, Trung tâm Khuyến nông đã kết nối đội lái xe trung chuyển nông sản từ vùng dịch ra bên ngoài, cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa, kết nối với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tại các địa phương trong cả nước tiêu thụ trên 500 tấn nông sản, gồm 200 tấn bắp cải, 150 tấn su hào, 50 tấn cà rốt, 30 tấn cà chua, 25 tấn củ đậu, ổi 20 tấn. Thông qua kênh hỗ trợ của Trung tâm đã thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân dưới tác động của dịch bệnh.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát đúng vào vụ thu hoạch vải thiều Thanh Hà. Với diện tích khoảng  9.168 ha vải, sản lượng ước đạt 55.000 tấn vải quả, trong đó có 45 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình Global Gap có diện tích 450 ha. Hải Dương đã dồn mọi nguồn lực để xúc tiến thương mại, đảm bảo tiêu thụ lượng vải thiều trong tỉnh trước đại dịch. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức sự kiện truyền thông xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 quận Kiến An, Kiến Thụy, Ngô Quyền của thành phố Hải Phòng, kết nối tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó đã tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vải thiều Thanh Hà đến đông đảo người tiêu dùng thành phố Hải Phòng và các địa phương. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Khuyến nông đã kết nối tiêu thụ 5-7 tấn vải.

Tổ chức sự kiện truyền thông xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tại Hải Phòng

 

Trước đó, hàng năm Trung tâm Khuyến nông thường xuyên tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản như tổ chức tọa đàm “Kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà Hải Dương chất lượng cao năm 2020” tại thành phố Chí Linh (đã ký kết 03 hợp đồng, 06 biên bản ghi nhớ, 02 biên bản liên kết tiêu thụ giữa các cơ sở, hiệp hội, hội chăn nuôi gà với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến gia cầm trong và ngoài tỉnh như Công ty CP chế biến thực phẩm Wiway, Công ty TNHH Tâm Anh, Công ty TNHH Chicken PT, Công ty CP và thương mại Hoàng Long…); tổ chức tư vấn, tìm hiểu đánh giá thị trường; tổ chức và tham gia các hội chợ cho doanh nghiệp, trang trại, HTX và các hộ sản xuất tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội gặp gỡ giữa doanh nghiệp và người sản xuất, tạo mối liên kết, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các Hội chợ nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tỉnh, thành tổ chức; tiếp đón và giới thiệu nông sản cho hàng nghìn lượt nông dân các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; đưa các đoàn cán bộ, nông dân trong tỉnh đi khảo sát, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh; làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên Bản tin Nông nghiệp và PTNT… Thông qua đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được quảng bá, giới thiệu, từ đó sẽ đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ.

Bằng những hoạt động thiết thực Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã góp phần giảm bớt áp lực và gánh nặng cho việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trong những năm qua, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19. Trước những diễn biến của dịch bệnh ngày một phức tạp, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó, tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn và các thị trường mang tính đột phá. Qua đó, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm của tỉnh đến người tiêu dùng trên mọi miền đất nước.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương