Tham dự Hội nghị có đồng chí Ngô Thị Anh Tuyên - Ủy viên ban thường vụ, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; đồng chí Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đồng chí Phạm Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm – Khuyến ngư Ninh Bình; đồng chí Trần Thị Phương Thủy - Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp và PTNT Ninh Bình và 70 đại biểu đại diện cơ quan Đảng ủy Bộ, Công đoàn ngành nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Trung tâm KNKLKN Ninh Bình, khuyến nông viên cơ sở, hộ gia đình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn do nữ làm chủ.

Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo về công tác bình đẳng giới của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bài thuyết trình về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện công tác bình đẳng giới.

Sau khi trao đổi kinh nghiệm trên Hội trường, các đại biểu được tham quan đơn vị phát triển kinh tế nông nghiệp do nữ làm chủ, đó là Công ty Sản xuất và Thương mại Ngọc trai Ninh Bình do chị Bùi Thị Thu Hằng làm giám đốc.

Với diện tích 1,5 ha đất, trong đó diện tích mặt nước khoảng 5.000m2, để tận dụng được lợi thế diện tích mặt nước trên, đầu năm 2016 chị Hằng đã quyết định đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp với các đối tượng: nuôi trai lấy ngọc, chăn nuôi gà Đông Tảo và trồng bưởi Diễn.

Đối với ngọc trai thô sau thu hoạch, Công ty sẽ trực tiếp chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ. Sản phẩm sau chế tác sẽ được cung ứng cho khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty. Còn với gà Đông Tảo là sản phẩm được ưa chuộng, luôn được các nhà hàng đến bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định và giá bán thường cao hơn so với các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Đối với bưởi Diễn, trang trại trồng một phần để tạo cảnh quan, một phần giúp cải thiện môi trường và tăng doanh thu.

Các đại biểu tham quan Công ty SX và TM Ngọc trai Ninh Bình 

Trong quá trình nuôi trai lấy ngọc có phát sinh lượng thịt trai dư thừa, vừa tốn tiền và công sức xử lý, vừa làm ảnh hưởng tới môi trường. Để giải quyết vấn đề này, năm 2018, Trung tâm KNKLKN Ninh Bình đã đưa ra phương án dùng phần ruột trai dư thừa phối trộn làm thức ăn cho gà Đông Tảo. Qua đó tạo ra chu trình chăn nuôi khép kín, vừa xử lý và tận dụng được sản phẩm thừa của công đoạn nuôi trai vừa tạo nguồn thức ăn hữu cơ cho gà; giúp giảm giá thành trong chăn nuôi gà, đặc biệt tạo ra sản phẩm chăn nuôi hữu cơ với chất lượng thịt thơm ngon.

Hiện nay, với quy mô như trên, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. 80% lao động ở đây là nữ. Lao động nữ có tố chất chăm chỉ, cần cù, tỉ mỉ và kiên nhẫn, giúp cho việc cấy trai được chính xác và tỷ lệ nuôi sống của trai sau cấy cao. Trong thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 5ha, mua sắm bổ sung máy móc phục vụ cho việc nuôi cấy ngọc trai…; lực lượng lao động trực tiếp sẽ lên trên 30 người; Công ty tiếp tục ưu tiên cho việc sử dụng lao động nữ nhằm phát huy hết những tố chất của phụ nữ cho việc sản xuất của đơn vị.

Thông qua Hội nghị và đặc biệt là buổi tham quan thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp do nữ làm chủ, các đại biểu có thêm nhiều thông tin về bình đẳng giới, đồng thời cũng là dịp nhìn nhận, đánh giá khách quan hình ảnh người phụ nữ trong việc nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó có thể tuyên truyền về cách thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn có hiệu quả hơn đến toàn thể nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng.

Đinh Thị Hồng Liên

TT Khuyến nông – Khuyến lâm – Khuyến ngư Ninh Bình