Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã thay mặt UBND tỉnh triển khai, phổ biến những nội dung của Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh.

Cụ thể, thời gian này, HĐND tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết là Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND bao gồm các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này. Trong đó, nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa tập trung (giống, vôi cải tạo đất); phát triển chè (vùng chè tập trung chất lượng cao, cây chè cổ thụ); hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tập trung (giống, phân bón lót, bón thúc năm thứ nhất theo quy trình cho 100% diện tích trồng mới; hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản); hỗ trợ trồng hoa, rau, củ quả (đối với hoa địa lan; đối với hoa, rau, củ quả khác); hỗ trợ phát triển cây mắc ca; hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, làm hầm biogas và đệm lót sinh học; hỗ trợ trồng cỏ và các loại thức ăn cho gia súc; hỗ trợ phát triển nuôi ong, cá lồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (bao gồm sản phẩm tiềm năng và sản phẩm đã được công nhận OCOP); hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với các mức khác nhau cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cho hộ sản xuất nhỏ để khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định một số nội dung về chính sách phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, mở đường lâm nghiệp và đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối tượng áp dụng là các cá nhân, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi tập trung vào các nội dung như: trình tự thủ tục hỗ trợ; các đơn vị đầu mối làm thủ tục, hồ sơ; xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng; việc hỗ trợ chăn nuôi nhỏ lẻ; phương thức hỗ trợ giống, định mức, quy trình kỹ thuật, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ vay vốn...

Sau khi nghe các ý kiến, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi và trả lời các thắc mắc. UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện chính sách, đặc biệt sẽ phân cấp cho các huyện để tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Việc xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu muốn được hỗ trợ thì phải liên kết lại với nhau theo chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và trả lời toàn bộ các ý kiến tại Hội nghị, báo cáo UBND tỉnh và gửi trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Đồng thời ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức triển khai các chính sách; không để “rơi vãi” chính sách; làm sao để chính sách thực sự đi vào quá trình sản xuất của người dân./.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu