Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta, nhằm giúp bà con hiểu rõ và nắm được các giải pháp chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9 Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV2 đã thực hiện chương trình tọa đàm “Giải pháp chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9”.

Trong chương trình, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn và giải đáp các câu hỏi, băn khoăn của bà con nông dân về các giải pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9.

TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tư vấn cho bà con nông dân các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Cùng với phóng sự về công tác chủ động phòng chống dịch tại Lạng Sơn và một số tỉnh, TS Hạnh đã cung cấp nhiều thông tin tư vấn đến người chăn nuôi về nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 rất cao do bệnh khó phát hiện vì không có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm. Đặc biệt khi lây nhiễm sang người thì người mắc bệnh có nguy cơ tử vong cao, trên 35% số người nhiễm bệnh.

Người chăn nuôi lưu ý thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Ngoài vắc-xin Cúm gia cầm, nông dân cũng cần tiêm vắc-xin phòng các bệnh Marek, Newcastle, Gumboro, viêm thanh khí quản truyền nhiễm…; Tăng cường trợ sức, trợ lực và thường xuyên theo dõi đàn gia cầm.

Nếu phát hiện đàn gia cầm mắc bệnh, cần báo cho cơ quan thú y địa phương để thực hiện việc tiêu hủy theo Thông tư hướng dẫn của Luật Thú y. Công tác hỗ trợ tiêu hủy thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 về “Cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”

Hiện tại, vẫn đang là “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng” đợt 1/2017 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, vì vậy cần thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ để ngăn ngừa mầm bệnh. Mặt khác cần nâng cao ý thức của người chăn nuôi trong phòng trừ dịch cúm gia cầm. Từ kết quả triển khai mô hình khuyến nông, cần tiếp tục mở rộng các mô hình cung cấp gia cầm giống tại chỗ cho người chăn nuôi ở các tỉnh sát biên giới để giảm việc nhập lậu gia cầm qua biên giới ở các tỉnh phía Bắc.

TS Hạnh lưu ý, cần tăng cường thông tin tuyên truyền để tư vấn, hướng dẫn cho bà con những kiến thức cần thiết, các giải pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm.

Với những giải pháp của chuyên gia tại buổi tọa đàm sẽ giúp bà con có những giải pháp tốt, chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9 trong nông hộ.

HTH