Tham dự lễ ký kết có đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự trực tuyến.

Các đại biểu tham dự lễ ký kết chụp ảnh lưu niệm

 

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, nông nghiệp nước ta đã được đánh giá là "Trụ đỡ của nền kinh tế", nhất là khi đất nước có những biến động xã hội, nông nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của đất nước. Trung ương Hội nông dân Việt Nam cam kết cùng Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình phối hợp này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về phát triển một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại.

Theo nội dung ký kết, Chương trình phối hợp xác định 5 nhóm nội dung cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là:

- Phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt đạt 15 - 20%. Đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với hiện nay (diện tích khoảng trên 500.000 ha). Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia xây dựng và phát triển mô hình quản lý chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn với mục tiêu đạt trên 3.000 chuỗi vào năm 2025 (tăng gấp đôi số chuỗi so với hiện nay).

- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phấn đến năm 2025 có 50% số lượng Hội Nông dân cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã.

- Phối hợp trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng: Thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 7.440 xã đạt tiêu chí về môi trường nông thôn (bằng 90 % số xã. Phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn; Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” gắn với Chương trình OCOP, nâng cao năng lực, kỹ năng về công nghệ số gắn với hoạt động tuyên truyền, kết nối sản phẩm OCOP, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Tổ chức hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu nông dân được tham gia đào tạo nghề nông nghiệp.

- Phối hợp trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, tổ chức các diễn đàn nông nghiệp và giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới. Tổ chức các diễn đàn nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới: “Người nông dân tử tế - Người nông dân thông minh.

“Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025”

 

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, có thể coi là một cuộc cách mạng để từ đó tạo ra những thay đổi lớn cho nông nghiệp, nông thôn và tư duy sản xuất của nông dân. 5 nội dung hợp tác hôm nay sẽ là 5 nội dung về cuộc cách mạng trong nông nghiệp, từ đó hình thành một thế hệ nông dân mới, biết liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển, thay đổi tư duy để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhiệm vụ của các hội đoàn thể, ngành chức năng là cung cấp các kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ nông dân, từ đó bà con tự quyết định trên mỗi mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thống nhất giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối của hai cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện từng nhóm nội dung, giải pháp trong chương trình phối hợp. Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, rút kinh nghiệm chỉ đạo và thống nhất kế hoạch triển khai năm tiếp theo.

Toàn cảnh hội nghị

 HT