Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu chào mừng Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi; đại diện các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các sở NN&PTNT, trung tâm khuyến nông, hộ nông dân tiêu biểu 6 tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu; lãnh đạo UBND, phòng NN&PTNT, trạm khuyến nông, trạm thú y 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG cho biết: “Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) là nơi có rất nhiều điều kiện tự nhiên và con người thuận lợi cho việc chăn thả gia súc quy mô lớn và cũng có số lượng đàn gia súc lớn (trâu, bò, dê, ngựa) chiếm tỉ lệ cao so với cả nước (chiếm 46,2% năm 2014). Tuy nhiên, có một nghịch lí là mặc dù có điều kiện chăn nuôi rất tốt, tổng đàn gia súc trong vùng lớn nhưng việc chăn nuôi chưa hiệu quả, sản lượng thịt gần như thấp nhất so với cả nước”. Nguyên nhân của nghịch lí trên tồn tại ngay trong chính những điều kiện vốn có của vùng TDMNPB. Cụ thể, dù TDMNPB có nguồn thức ăn xanh dồi dào với nhiều đồng cỏ lớn nhưng lại có khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh khiến thức ăn cạn kiệt và nguy hiểm nhất là làm chết trâu bò. Mặc dù bà con trong vùng có truyền thống chăn nuôi gia súc lâu đời nhưng do tập quán chăn thả tự nhiên, chưa có kĩ thuật tránh rét, che chắn cho đàn trâu bò nên hàng năm, TDMNPB vẫn là nơi có tỉ lệ gia súc bị chết đói, chết rét cao nhất cả nước.

Ban chủ tọa và Ban cố vấn diễn đàn

Theo TS. Phan Huy Thông, sản lượng thịt xuất chuồng thấp chủ yếu là do một số nguyên nhân: giống gia súc (giống địa phương, tỉ lệ lai thấp, phát triển kém), tập quán nuôi nhốt của bà con, nguồn thức ăn dự trữ hạn chế, chống rét kém kèm theo dịch bệnh lớn xảy ra (lở mồm long móng, tụ huyết trùng,…). Mặt khác, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, nhỏ lẻ, chưa tập trung khai thác hết tiểm lực chăn nuôi trong vùng và làm cho việc quản lí, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trở nên khó khăn và làm giảm hiệu quả chăn nuôi. “Bà con vẫn giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, chưa có kiến thức về thị trường, xuất bán không có kế hoạch, cứ khi nào họ cần tiền hoặc cảm thấy được giá thì bán. Việc đó dẫn đến trường hợp, có những con trâu nuôi vài năm mới bán, dù bán được giá nhưng tính về hiệu quả kinh tế thì không cao”. Để tìm ra hướng giải quyết vấn đề này, TTKNQG phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững vùng Trung du miền núi phía Bắc”.

Đoàn đại biểu tham quan mô hình hộ ông Nguyễn Khắc Vân, thôn Bưởi, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái)

Cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam khi gia nhập TTP:
“Chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh ngành chăn nuôi phát triển, tiếp cận được công nghệ mới, mở rộng thị trường ra thế giới, đây là điều rất đáng mừng. tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại những tác động tiêu cực như sự cạnh tranh lớn về chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm. Do đó, cần có những chính sách, biện pháp giải quyết làm sao để vừa nâng cao sản lượng, chất lượng sản ngành chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu của thị trường, vừa đảm bảo giá thành tốt nhất nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Theo TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi 

Giải quyết vấn đề bằng chính sự thay đổi nhận thức của người chăn nuôi

Để khắc phục những khó khăn cũng như phát triển chăn nuôi ở TDMNPB, điều cần làm bây giờ là phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bà con, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn để dễ quản lý về mặt môi trường, thú y, dễ kiểm soát dịch bệnh, thay đổi thói quen chế biến thức ăn dự trữ của bà con để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khan hiếm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác khuyến nông từ trung ương đến địa phương nhằm chuyển giao khoa học kĩ thuật một cách liên tục, bài bản, nâng cao trình độ, thay đổi tập quán của bà con để chăn nuôi đạt hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường những chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất cho bà con trong vùng.

Tại diễn đàn, các đại biểu quan tâm và đặt gần 60 câu hỏi cho Ban chủ tọa và Ban cố vấn Diễn đàn về chính sách hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc của nhà nước, về hỗ trợ con giống, vắc xin tiêm phòng, thủ tục vận chuyển gia súc, phí và các loại phí giết mổ…; kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng trừ và phát hiện một số loại bệnh thường gặp…; thông tin thị trường, giá cả của từng loại gia súc… Điều đó chứng tỏ người nông dân hiện nay đã và đang rất quan tâm và có sự thay đổi tư duy rất lớn tới việc phát triển kinh tế bằng đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Toàn cảnh diễn đàn

Kết thúc diễn đàn, TS. Phan Huy Thông cho biết, TTKNQG sẽ tiếp tục tổ chức những diễn đàn, các lớp tập huấn, phát triển các mô hình chăn nuôi nhằm hỗ trợ bà con kĩ thuật chăn nuôi đúng, hiệu quả, an toàn và bền vững. Thông qua diễn đàn, ông hi vọng sẽ kết nối bà con với các doanh nghiệp, nhà cung ứng đầu vào để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp bà con có kiến thức thị trường, kiến thức thú y để chăn nuôi hiệu quả.

Xuân Minh