Lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm trên lúa do vi rút lùn sọc đen phương Nam gây ra. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở tỉnh Nam Định vào vụ mùa 2009 làm mất trắng 8.100 ha lúa và tái xuất hiện trong vụ mùa 2017. Toàn tỉnh có trên 20.000 ha nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 13.000 ha nhiễm bệnh nặng, thiệt hại năng suất >30%, dẫn đến năng suất vụ mùa 2017 chỉ đạt 36,14 tạ/ha, giảm 15,41 tạ so với vụ mùa 2016.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nam Định tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen trên lúa và phòng tránh thiên tai cho một số hộ dân trồng lúa chịu ảnh hưởng của cơn bão Mirinae tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Nhiều nông dân được tham dự tập huấn biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen trên lá

Toàn huyện Ý Yên có 3017 hộ dân thuộc 12 xã, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Mirinae. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ý Yên phối hợp với UBND các xã ưu tiên lựa chọn 1500 hộ nông dân thuộc các địa phương bị thiệt hại nhiều hơn, được tham gia tập huấn trước. Thời gian tập huấn diễn ra 2 đợt: đợt 1 từ ngày 28/3/2018 đến ngày 7/4/2018; đợt 2 từ ngày 12/4/2018 – 25/4/2018. Mỗi lớp tập huấn diễn ra trong 1 ngày với phương pháp lấy người học làm trung tâm, kết hợp lý thuyết với thực hành trên đồng ruộng.

Nội dung tập huấn về bệnh lùn sọc đen bao gồm: đặc điểm nhận biết bệnh lùn sọc đen trên lúa; môi giới truyền bệnh; cơ chế truyền bệnh và các biện pháp tổng hợp phòng chống bệnh lùn sọc đen. Trong buổi tập huấn cũng đề cập tới các biện pháp sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn hán hoặc lũ lụt và các biện pháp người dân cần chủ động để phòng tránh thiên tai. Các giảng viên của Trung tâm Khuyến nông Nam Định đều là những người có kỹ năng sư phạm tốt, có kiến thức thực tế, vững về chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cho người lớn tuổi.

Ông Đào Quốc Tuấn, nông dân xóm Giữa, xã Yên Trị bộc bạch sau buổi tập huấn: “Vụ trước nữa chúng tôi mất mùa vì bão lụt, vụ trước mất mùa vì bị bệnh lùn sọc đen và mất bao nhiêu tiền phun thuốc vì không biết lúa bị bệnh gì. Hôm nay được các thầy cô giảng dạy cả trên lớp, cả ngoài đồng thế này chúng tôi nhớ lắm rồi, biết cách phòng chống rồi không để bị mất tiền oan nữa. Chúng tôi sẽ bảo nhau cùng cố gắng để mùa màng luôn bội thu”.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Xuân Hảo xóm 13, xã Yên Chính rất phấn khởi sau buổi tập huấn: “Ngày học hôm nay với chúng tôi quý giá vô cùng, chúng tôi biết được nguyên nhân gây ra bệnh lùn sọc đen là do rầy lưng trắng làm môi giới truyền bệnh, phải quản lý được rầy lưng trắng thì lúa mới không bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Chúng tôi cũng được hướng dẫn phải chủ động làm gì phòng tránh thiên tai, để đời sống của người nông dân đỡ khó khăn hơn”. Ông Hảo cũng đề nghị các tổ chức, các ngành quan tâm thường xuyên có những đợt tập huấn kịp thời như thế này cho bà con nông dân quê ông có thêm kiến thức và được tiếp cận kỹ thuật mới áp dụng trong sản xuất .

Ông Trần Văn Dụng, Phó chủ tịch UBND xã Yên Trị chia sẻ: Ông cảm ơn các tổ chức, các cơ quan ban ngành đã quan tâm để Yên Trị được tham gia tập huấn ngay từ đợt đầu tiên, chia sẻ những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đã đồng hành cùng nông dân giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông cũng giao cho các hộ dân được tham gia tập huấn phải có trách nhiệm chia sẻ, hướng dẫn lại kiến thức vừa được học cho những người xung quanh để cùng áp dụng vào sản xuất đại trà nhằm nâng cao đời sống của người dân./.

Nông dân được hướng dẫn thực hành theo nhóm ngoài đồng ruộng

Đỗ Thị Thúy Ngân

Trung tâm Khuyến nông Nam Định