Xuất phát từ thực tế đó, tháng 10 năm 2020, Trung tâm Khuyến Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nam Định tổ chức tập huấn tư vấn kỹ thuật sử dụng vắc-xin, thuốc thú y trong chăn nuôi cho 45 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp, cán bộ thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi trên địa bàn 5 huyện phía nam của tỉnh Nam Định.

Chia sẻ với học viên trong lớp giảng viên - Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương – phó trưởng phòng KN Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, một số bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (bệnh tai xanh)… Do đó, công tác quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả chăn nuôi. Sử dụng vắc-xin và thuốc thú y trong chăn nuôi đúng cách để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xem là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi…

Trong thời gian tập huấn, giảng viên đã tư vấn rất kỹ kiến thức về vắc-xin trong chăn nuôi, khái niệm vắc-xin nhược độc, vắc-xin vô hoạt, cách bảo quản cũng như nguyên tắc sử dụng vắc-xin, những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng vắc-xin và một số bệnh bắt buộc phải dùng vắc-xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN. Nội dung về kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi đặc biệt được học viên quan tâm và tham gia thảo luận sôi nổi. Học viên được củng cố thêm kiến thức về thuốc thú y, các nhóm thuốc thường dùng; nguyên nhân gây hiện tượng kháng thuốc, những tồn dư kháng sinh và tác hại; cách hạn chế việc sử dụng chất kháng khuẩn và kháng sinh trong chăn nuôi; các nguyên tắc để sử dụng kháng sinh tốt nhất, hiệu quả nhất trong quá trình chăn nuôi.

Một số cây thuốc nam và bài chữa theo dân gian cũng được học viên chia sẻ rộng rãi như sử dụng cây bồ công anh để trị viêm vú tắc tia sữa, kích sữa, giải độc tiêu viêm cho gia súc; cây diếp cá chữa viêm ruột, đau mắt đỏ hoặc nhiễm khuẩn, viêm tai giữa; cây cỏ xước chữa tiêu chảy ở lợn con…

 Tại lớp tập huấn, học viên được trực tiếp thực hành về  nhận biết 1 số loại vắc-xin, thuốc thú y, cách kiểm tra chất lượng cách sử dụng bảo quản đối với từng loại thuốc, từng loại vắc-xin;  kỹ thuật đưa thuốc vào cơ thể vật nuôi, cách tính liều lượng thuốc cho từng đối tượng vật nuôi cụ thể.

Học viên Nguyễn Thị Loan, hộ chăn nuôi xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy cho biết: "Chúng tôi được học tập, trao đổi, chia sẻ rất nhiều vấn đề bổ ích. Kiến thức được học giúp chúng tôi tự tin hơn, chắc chắn hơn trong chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Mong rằng các lớp tập huấn như thế này được tổ chức thường xuyên để người chăn nuôi được trang bị, củng cố tiến bộ kỹ thuật mới, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng trong phát triển chăn nuôi".

Thúy Ngân

Trung tâm Khuyến nông Nam Định