FFS (Famer Field School) là tên viết tắt bằng tiếng Anh của phương pháp huấn luyện đào tạo thực hành ngoài đồng ruộng cho nông dân. Phương pháp này đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) triển khai từ những năm 1992-1996, thực hiện đầu tiên tại các tỉnh phía Bắc. Trong khoảng thời gian này tại Hà Nội đã có 3.682 lớp và 95.603 nông dân được đào tạo theo phương pháp này. Khi tham dự các lớp FFS nông dân được học hỏi, trao đổi, giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm, mỗi lớp học đều thực hiện suốt trong cả một vụ cây trồng. Kết thúc các khoá học này nông dân đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tới 80% so với những vụ cây trồng thông thường, tổng chi phí cho sản xuất đã giảm tới 50%.

Vào những năm 2005-2006, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã phối hợp với tổ chức nước ngoài triển khai các khoá học đào tạo thực hành ngoài đồng ruộng cho nông dân vùng ĐBSCL trên đối tượng cây có múi. Đã có 2.245 nông dân được tham gia, lớp học kéo dài suốt cả thời vụ của cây có múi như quýt, cam, bưởi. Kết quả đã giúp cho các vườn sản xuất của nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho vườn cây ăn trái, tăng lợi nhuận cho hộ nông dân.

Thời gian qua, phương pháp huấn luyện đào tạo theo phương pháp FFS đã phát triển tại nhiều địa phương khác, tuy nhiên các lớp huấn luyện này không được tổ chức thường xuyên và đôi khi thực hiện chưa đúng nội dung, phương pháp nên hiệu quả và tính lan tỏa của phương pháp chưa được rộng rãi.

Theo hướng dẫn của các chuyên gia, phương pháp tập huấn FFS là phương pháp yêu cầu người nông dân phải tham dự trong suốt khoá học. Các khoá học được thiết kế trong suốt một chu kỳ của mùa vụ cây trồng hoặc con vật nuôi. Khoá học sẽ chia thành nhiều buổi hoặc nhiều ngày xác định phụ thuộc vào tính cần thiết và quan trọng của mỗi giai đoạn phát triển của cây trồng hoặc con vật nuôi. Ví dụ với cây lúa, trong khoảng trên 3 tháng có thể bố trí các buổi học vào giai đoạn xuống giống, đẻ nhánh, phân hoá đòng và chuẩn bị thu hoạch. Với chăn nuôi gà có thể bố trí tổ chức lớp học lúc chọn thả giống, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh và xuất chuồng… Học viên sẽ được theo dõi suốt cả chu kỳ sinh trưởng, phát triển và cuối cùng là biết được kết quả của giải pháp kỹ thuật áp dụng. Qua các hoạt động quan sát, trao đổi, chia sẻ và thực hành, học viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng mới, tự mình phân tích, lựa chọn và mạnh dạn áp dụng những gói kỹ thuật phù hợp vào sản xuất của gia đình mình. Môi trường thực hành ngoài đồng ruộng thì rất đa dạng phong phú, nếu được hướng dẫn chia sẻ, được cán bộ kỹ thuật phân tích cơ sở khoa học, kiến thức thực tiễn cộng với kinh nghiệm của bản thân mình sẽ không những chỉ giúp cho mỗi người tự tìm ra giải pháp thích hợp nhất áp dụng vào sản xuất mà phương pháp này còn phát huy tính sáng tạo của mỗi người tham gia.

Ngược lại nếu áp dụng phương pháp FFS một cách không đúng như thời gian không đủ, bố trí vào thời điểm không thích hợp, lý thuyết nhiều mà không gắn với thực tiễn, thời gian thực hành hạn chế và hướng dẫn không đúng cách sẽ không đáp ứng được nhu cầu và những mong muốn của người học. Hay học viên tham gia không đầy đủ, không thường xuyên, ít trao đổi chia sẻ, hiệu quả học tập sẽ không đạt như mục tiêu đề ra, và cũng đồng nghĩa không phát huy được tính sáng tạo và không giúp người tham gia tìm ra được giải pháp thích hợp để áp dụng làm theo.

Nhìn lại những lớp học truyền thống, người tham gia không được coi là nhân vật trung tâm, đến tham gia một cách thụ động, không xác định được động lực học tập và không được tham gia vào các hoạt động thực hành do quá ít thời gian, không được hướng dẫn trong trao đổi chia sẻ sẽ khó mà tiếp thu được kiến thức mới, tiếp nhận kinh nghiệm, thậm chí rất khó nhớ được các thao tác kỹ thuật đơn giản, không hiểu được nguyên lý cũng như nguyên nhân sâu xa của hiện tượng, chính vì vậy sẽ không giúp tìm ra những giải pháp phù hợp và đôi khi gây ra lúng túng khi lựa chọn giải pháp áp dụng. Các khoá tập huấn có thiết kế thời gian tham quan thực hành tại mô hình nhưng do bị hạn chế thời gian, không có người hiểu và phân tích hướng dẫn cho mọi người quan sát, trao đổi, không có cán bộ hoặc nông dân giỏi chia sẻ về kỹ thuật, cuối buổi không có tóm tắt kết luận thì việc tham quan học tập ngoài mô hình cũng không hiệu quả và tác dụng thuyết phục mọi người áp dụng làm theo bị hạn chế.

Để thực hiện phương pháp tập huấn lớp học thực hành cho nông dân ngoài đồng ruộng đạt hiệu quả cao, có mấy lưu ý mà ban tổ chức lớp học cần quan tâm. Đó là:

Đối tượng tham gia

Cần tiến hành khảo sát nhu cầu trước khi thực hiện. Những ai quan tâm và có nhu cầu áp dụng các gói kỹ thuật mới vào sản xuất của họ thì hiệu quả tiếp thu, tham gia trao đổi chia sẻ mới thực sự bổ ích cho họ và qua đó họ sẽ mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Có thể có những hộ nông dân chưa có điều kiện áp dụng ngay nhưng sau khi được tham gia huấn luyện đào tạo nhưng họ có niềm tin và sẵn sàng áp dụng ngay khi có cơ hội. Từ đó sẽ nhanh chóng nâng cao diện tích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Những hộ nông dân cử người tham gia cố định, không thay đổi mỗi ngày học sẽ nắm bắt kỹ thuật và hiệu quả áp dụng vào sản xuất cũng cao hơn.

Mô hình tham quan học tập và thực hành

Muốn thực hiện hiệu quả các lớp tập huấn kỹ thuật theo phương pháp FFS, điều quan trọng nhất là chuẩn bị mô hình thực hành. Các mô hình trình diễn sẽ là nơi tham quan học tập nhưng cũng là điểm thực hành của các học viên. Trong phương pháp trình diễn có hai hình thức, trình diễn phương pháp và trình diễn kết quả. Ví dụ mô hình phục vụ cho các lớp tập huấn sản xuất lúa theo phương pháp FFS là mô hình trình diễn phương pháp nên đòi hỏi công tác tổ chức phải chuẩn bị thật tốt mô hình thực hành từ các khâu chọn địa điểm, mặt bằng, lựa chọn giải phái gieo sạ hay gieo cấy, vật tư đầu vào gồm giống, phân bón,… và ngay cả các thao tác kỹ thuật muốn tuyên truyền phổ biến để áp dụng phải được chuẩn bị và bố trí sắp xếp thực hành  theo tiến độ cho phù hợp với thời vụ cây lúa. Mô hình thực hành ngoài đồng ruộng phải tiêu biểu và được bảo đảm rằng các giải pháp kỹ thuật trình diễn chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn các diện tích đại trà dùng làm đối chứng để so sánh, bởi lẽ nếu không hiệu quả sẽ có tác dụng ngược lại và khó thuyết phục mọi người áp dụng làm theo trong sản xuất đại trà.

Phương pháp tập huấn FFS là phương pháp tập huấn được ấn định kéo dài trong suốt một vụ hay chu kỳ sinh trưởng phát triển của con vật nuôi nên thời gian kéo dài và cũng tốn kém chi phí lớn hơn các hình thức tập huấn khác. Không nhất thiết mô hình phải là mô hình tiên tiến hay thành công, đôi khi có thể sử dụng mô hình thất bại trong giải pháp kỹ thuật để phân tích, chỉ dẫn cho mọi người tham gia học tập rút kinh nghiệm.

Tập huấn áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" trên cây lúa theo phương pháp FFS tại Sóc Trăng

Đội ngũ cán bộ tổ chức, giảng viên, hướng dẫn điều hành

Mỗi lớp học đều có nhiều giảng viên tham gia nhưng chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn và theo dõi các hoạt động lớp học. Giảng viên có vai trò thúc đẩy tiến trình thực hiện thực hành, giảng viên kỹ thuật đôi khi còn đóng vai trò trọng tài trong các tranh luận của người tham gia.

Để hướng dẫn tham quan học tập mô hình, chủ hộ hoặc cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình hay nông dân giỏi tại địa phương có thể đóng vai trò điều hành hướng dẫn và chia sẻ thông tin hay là người làm mẫu trong các bài tập thực hành. Vì vậy ngoài trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và có kinh nghiệm, người giảng viên, hướng dẫn viên, điều hành còn phải có kinh nghiệm về thuyết trình, kỹ năng sư phạm, kỹ năng tập huấn người lớn cũng như cần có kinh nghiệm nhất định về tổ chức thực hiện, xử lý tình huống trong điều hành trao đổi thảo luận. Nếu chuẩn bị tốt đội ngũ những người tổ chức, giảng viên, hướng dẫn điều hành sẽ giúp cho nông dân được học tập theo phương pháp mới, hoàn toàn chủ động và phát huy kiến thức kinh nghiệm của mình, tạo nên một môi trường học tập thoải mái, gần gũi với thực tế và cũng giúp cho nông dân mạnh dạn trao đổi những kiến thức đó với nông dân khác, có cơ hội trao đổi học hỏi lẫn nhau. Khi gặp phải những vướng mắc trong sản xuất nhờ điều hành hướng dẫn đúng mà nông dân sẽ tìm ra được giải pháp thích hợp nhất thông qua kiến thức mà họ đã học được.

Nội dung lý thuyết và thực hành

Tuỳ theo mục đích yêu cầu, tuỳ theo điều kiện thực tế mà cần phải thiết kế môt chương trình học tập theo phương pháp FFS cho phù hợp. Hầu hết thời gian cho phương pháp này dành cho thực hành ngoài đồng ruộng, thậm chí không có giảng viên giảng bài trên lớp học. Các buổi học không nhất thiết phải liên tục, nội dung thực hành rải ra suốt trong một vụ của cây trồng nên phải lựa chọn vào những thời điểm quan trọng của cây trồng. Tuỳ thuộc vào nội dung yêu cầu mà xác định những chủ đề học khác nhau. Xác định thời điểm thích hợp sẽ giúp cho nông dân nhìn thấy rõ hiệu quả của giải pháp kỹ thuật.

Những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn sẽ được hướng dẫn trao đổi trên cơ sở người tham gia được quan sát thực tế quá trình sinh trưởng phát triển của cây, con. Nội dung lý thuyết đang được minh chứng bằng thực hành ngoài đồng ruộng giúp cho người tham gia dễ thay đổi nhận thức nhanh hơn, tạo lòng tin vào giải pháp và từ đó mà họ mạnh dạn áp dụng vào sản xuất.

Kết thúc khoá học

Một khoá học kéo dài suốt thời vụ của cây trồng hay chu kỳ con vật nuôi, sau khi kết thúc công việc đánh giá kết luận hiệu quả của giải pháp áp dụng cần được thực hiện nghiêm túc. Những ý kiến nhận xét đánh giá, kiến nghị đề xuất của các thành viên tham gia sẽ giúp cho ban tổ chức tổng hợp và hoàn thiện phương pháp tập huấn FFS tại địa phương. Đồng thời những gợi ý kết luận sẽ giúp cho nông dân tham gia tự quyết định có thể áp dụng các giải pháp kỹ thuật này vào sản xuất của mình hay không. Bên cạnh đó những yếu tố về tính tương thích, tính khả thi và những kiến thức tổng hợp được trong quá trình học và thực hành sẽ là tiền đề để khêu gợi tính sáng tạo khi áp dụng kỹ thuật mới. Đây cũng là những cơ sở để khuyến cáo cho số đông nông dân mở rộng phạm vi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mong muốn.

Với phương pháp tập huấn FFS nhất thiết phải cho người tham gia biết thông tin kết quả mô hình, có thể là năng suất, sản lượng, giá thành, giá bán nông sản hay lợi nhuận thu được so với không áp dụng giải pháp. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm tăng tính thuyết phục để người học sau khi về có thêm động lực áp dụng làm theo.

Vũ Tiết Sơn