Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp CHDCND Lào Khambounnath Xayanone ký biên bản bàn giao tiếp nhận Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng – Nước CHDCND Lào

1. Hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông với tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình hội nhập quốc tế toàn cầu, bên cạnh các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như rau quả, thuỷ sản, gỗ, cây công nghiệp,… thì các sản phẩm chăn nuôi đang đứng trước khó khăn do phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu thức ăn và giống từ nước ngoài; tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế. Vì vậy, nhiều chương trình trình hợp tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, kiểm soát chất lượng và dịch bệnh để cung cấp thực phẩm an toàn cho nhu cầu nội địa trước khi hướng đến xuất khẩu. Dự án “Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế: Chương trình A – G2G: Kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm trong chuỗi thịt lợn” hợp tác với Hà Lan là dự án đầu tiên hợp tác theo cơ chế Công tư PPP (Public Private Partneship), hỗ trợ và định hướng các mô hình khuyến nông gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa thịt lợn.

Đối với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã có nhiều hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới đối với bệnh cúm gia cầm, tại biên giới Việt Nam - Campuchia. Với Dự án“Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối nguy đe dọa đến sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật - EPT2”, tổ chức FAO đã hỗ trợ để nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm chăn nuôi thông qua đào tạo tập huấn cho các hộ ấp nở trứng gia cầm và nuôi gia cầm sinh sản. Kết quả, các hộ chăn nuôi đã biết quản lý dịch bệnh cúm gia cầm trong nông hộ, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng tỉ lệ ấp nở và tăng hiệu quả chăn nuôi 15 - 20%.

Trung tâm còn phối hợp với Hiệp hội Thịt và chăn nuôi Ôxtrâylia (MLA) triển khai các hoạt động tập huấn về chăn nuôi, phúc lợi động vật, lò giết mổ, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm cho cán bộ thú y các cấp và cán bộ khuyến nông các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Trong năm, Trung tâm được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện hoạt động truyền thông khuyến nông cấp trung ương về sản xuất cà phê bền vững, tái canh cà phê và sản xuất lúa gạo bền vững thuộc Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) giai đoạn 2016 – 2020. Dự án góp phần nâng cao nhận thức cho người sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lớp “Đào tạo giảng viên cao cấp (TOMT) cấp tỉnh về sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê” cho 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập kinh tế ASEAN, để hỗ trợ cho nông dân Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện nhiều buổi tọa đàm, tư vấn, điển hình như Chương trình ASEAN+ với chuyên đề “Làm sao để nông dân Việt thoát nghèotrên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

2. Hợp tác quốc tế về khuyến nông và chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu và thiên tai khốc liệt đang trở thành những thách thức lớn đối với nông nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các hoạt động của Dự án “Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đại gia súc”, tập trung đào tạo kỹ thuật sử dụng phần mềm trong quản lý, cân đối khẩu phần thức ăn chăn nuôi bò sữa nhằm giảm phát thải khí nhà kính, được người chăn nuôi đánh giá cao, vì bò tăng trọng và cho sữa nhiều hơn, hiệu quả chăn nuôi tăng 10 - 15%, đồng thời còn giảm khí Metan CH4.

3. Hợp tác về khuyến nông trong khu vực ASEAN và quốc tế

Năm 2016, Trung tâm tiếp tục tham gia Hội nghị thường niên Nhóm Công tác ASEAN về Đào tạo nông nghiệp và khuyến nông (AWGATE) tổ chức tại Philippine. Tại các phiên họp, đoàn đại biểu Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến về các hoạt động hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm,... được các nước thành viên ủng hộ và đánh giá cao.

Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn ASEAN về sản xuất cà phê bền vững, tham dự hội nghị thường niên câu lạc bộ ca cao ASEAN ở Malaixia, tham dự lễ kỷ niệm ngày lương thực thế giới ở Thái Lan, phối hợp với  FAO lựa chọn một nữ nông dân điển hình trong sản xuất nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu để nhận giải thưởng “Nông dân ASEAN điển hình năm 2016” (tại Thái Lan), tiếp các đoàn quốc tế đến tham quan và làm việc về khuyến nông. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế này đã góp phần trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực khuyến nông và nông nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác thường niên với ASEAN về lĩnh vực ca cao, năm 2016 Việt Nam tham dự cuộc họp lần thứ 19 ACC tổ chức tại Indonesia để thảo luận những nội dung chủ yếu như vấn đề thương mại ca cao, xây dựng tiêu chuẩn ASEAN GAP cho ca cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả nghiên cứu nổi bật về ca cao, kế hoạch hành động ACC từ 2016 - 2020.

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với tổ chức Helvetas Việt Nam thực hiện hợp tác PPP về sản xuất ca cao bền vững thông qua xây dựng sổ tay hướng dẫn sản xuất ca cao bền vững và tổ chức các khóa TOMT về Kỹ thuật sản xuất tại 5 tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

4. Chương trình hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Lào

Thực hiện Chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam – Lào về lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai thực hiện hai dự án tại tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn – Lào. Dự án “Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng” đã được hoàn thành với quy mô xây dựng 1,8 ha. Đây là công trình có cơ sở vật chất đồng bộ, đa chức năng sẽ góp phần đào tạo, tư vấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh Xiêng Khoảng và các khu vực lân cận. Trong tháng 12/2016, Chính phủ hai nước đã tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình cho Lào đưa vào quản lý, sử dụng. Công trình được đánh giá là một trong những biểu tượng nổi bật của tình hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đối với dự án “Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hủa Phăn”, hiện nay Trung tâm đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công ngay trong đầu năm 2017.

Phát triển một nền nông nghiệp bền vững là yêu cầu cần thiết và là xu hướng tất yếu đặt ra cho ngành nông nghiệp các nước ASEAN nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đem lại những cơ hội lớn để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông cả nước mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông để phát huy hiệu quả trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp người nông dân vượt qua những khó khăn, thách thức, hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Kết quả hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần nhất định vào thành quả chung của hoạt động khuyến nông năm 2016 và phát huy hơn nữa trong kế hoạch năm 2017.

TS. Hạ Thúy Hạnh

 PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia