Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Đình Toàn – Phó giám đốc Sở nông nghiệp & PTNT Ninh Bình, lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn, lãnh đạo các đơn vị: Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao & XTTM Nông nghiệp, Phòng nông nghiệp các huyện, một số HTX sản xuất gạo và một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị, diện tích lúa đặc sản mùa muộn mấy năm gần đây của tỉnh Ninh Bình đã từng bước được mở rộng (khoảng 2.000 ha, chiếm 5% diện tích lúa toàn tỉnh), tập trung chủ yếu ở huyện Kim Sơn (gần 1.000 ha, trong đó xã Như Hòa 164 ha, chiếm 52,5% diện tích lúa của xã), các xã phía nam của huyện Yên Khánh, một số xã của các huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Giống lúa chủ lực là những giống đặc sản của địa phương như: nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, tám xoan, dự, mộc hương, bao thai... Đặc biệt những năm gần đây chất lượng gạo một số giống lúa đặc sản của tỉnh đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ từng bước được mở rộng, việc tiêu thụ lúa gạo đặc sản khá thuận lợi. Các công ty cũng như thương lái thường đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch, nhiều doanh nghiệp đã thu mua lúa tươi tại ruộng. Thực tế cho thấy, giá trị sản phẩm lúa đặc sản của Ninh Bình rất cao, năm 2016 giá bán nhóm lúa nếp từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, lúa tám, lúa dự dao động khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi sản phẩm từ các lúa khác chỉ dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa đặc sản gấp 1,5 - 3 lần lúa thường.

Các đại biểu thăm quan vùng sản xuất lúa đặc sản tại huyện Kim Sơn

Sau khi đi thăm quan đầu bờ, tại hội trường các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những nguyên nhân và khó khăn gặp phải trong sản xuất lúa đặc sản tại địa phương để tìm ra phương hướng sản xuất cho những vụ tiếp theo.

Đồng chí Vũ Văn Nga - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình phát biểu: “Hội nghị này đã mở ra cánh cửa cho lúa đặc sản của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ áp lực lương thực lúa gạo dư thừa nên rủi ro sản xuất rất lớn. Vì vậy mà người sản xuất và tiêu thụ cần phải liên kết chặt chẽ với nhau và cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tạo cơ hội hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp và người sản xuất”.

Cũng tại hội nghị các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ đối với một số hợp tác xã sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện Kim Sơn và Yên Khánh.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đình Toàn - – Phó giám đốc Sở nông nghiệp & PTNT Ninh Bình đề nghị các địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất và kế hoạch sản xuất lúa hàng hóa cho các giống lúa đặc sản, giống chất lượng cao...; Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất cho từng giống lúa và từng vùng sinh thái; Các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với Ngành Nông nghiệp và liên kết với nông dân Ninh Bình, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Với thành công từ hội nghị, đây sẽ  là cơ hội tốt để cho hộ sản xuất, các hợp tác xã tiến tới ký kết hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 05 và Nghị quyết 37 của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Ký kết tiêu thu sản phẩm giữa doanh nghiệp với đơn vị sản xuất

Đinh Thị Hồng Liên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình