Mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản; Cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất gắn với thị trường thông qua các hoạt động khuyến nông; Góp phần thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình là hơn 123 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn của Khuyến nông Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kinh phí thực hiện chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa; ngân sách địa phương và kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức và người dân. Đối tượng nhận chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất có hiệu quả, công nghệ trong nông nghiệp bao gồm: Nông dân, chủ trang trại sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí trên bao gồm: Kinh phí xây dựng mô hình, đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền... Tập trung chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT, các loại cây, con giống có chất lượng tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tỷ trọng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp...

Phấn đấu các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống

 

Kết quả cụ thể của Chương trình sẽ góp phần để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân năm giai đoạn 2021-2025 từ 2,5-3%. Đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác khuyến nông cấp huyện, xã; 100% khuyến ngư viên cơ sở và hộ tham gia thực hiện mô hình được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn. Các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2025, diện tích lúa chất lượng cao đạt tối thiểu 50% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh; tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 85%, đàn lợn nạc đạt hơn 95% tổng đàn; diện tích nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200 ha.

Nguyễn Bình

Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế