Tham gia lớp học có 30 học viên là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, Trạm Khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông đến từ 04 huyện: Thanh Thủy, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và thị xã Phú Thọ.

Nội dung của lớp tập huấn tập trung vào kỹ thuật thâm canh lúa phù hợp với điều kiện nông hóa, thổ nhưỡng của tỉnh Phú Thọ nói chung cũng như tại các địa phương nói riêng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng của sản phẩm lúa gạo. Cũng tại khóa học này, học viên đã nắm được các kiến thức về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái cũng như đời sống con người. Đây là nội dung đáng lưu tâm trong bối cảnh môi trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề ô nhiễm thông qua quá trình sản xuất, sinh hoạt.

Học viên trao đổi, thảo luận nội dung lý thuyết tại hội trường

Ngoài nội dung lý thuyết, lớp học đã bố trí xen kẽ các nội dung thực hành như: ủ phân compost tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, một số biện pháp canh tác lúa áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI…

Lớp học đã tổ chức tham quan mô hình sản xuất gạo chất lượng cao liên kết theo chuỗi áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Hương Nộn huyện Tam Nông; Mô hình nuôi trùn quế tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp tại xã Hưng Hóa, huyện Tam Nông. Đây là các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường.

Học viên thực hành ủ phân compost từ phế phụ phẩm nông nghiệp

Thông qua 3 ngày học tập trung và hiệu quả, học viên của lớp học đã được trang bị những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các biện pháp canh tác lúa phù hợp tại địa phương, giảm phát thải khí nhà kính góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sống cũng như sức khỏe con người.

Nguyễn Sơn Tùng

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ