Những năm gần đây, sản xuất thủy sản của Phú Thọ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cạnh tranh thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng gắt gao, đòi hỏi sản xuất phải gắn với tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi tiềm lực kinh tế đầu tư phát triển sản xuất của người dân còn hạn chế, hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản thiếu đồng bộ, lực lượng lao động còn thiếu kỹ thuật, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ, định hướng phát triển và nâng cao trình độ sản xuất, trong đó một phần không thể thiếu là các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng một số đối tượng thủy sản có thế mạnh của tỉnh cho người sản xuất.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã tổ chức lớp “Tập huấn, tư vấn kỹ thuật nuôi một số đối tượng thủy sản nước ngọt” tại thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nội dung chủ yếu của lớp tập huấn lần này là cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên ngành theo phương pháp hướng dẫn trực tiếp tại hiện trường. Đối tượng thủy sản được lựa chọn là các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh phát triển và phù hợp với nhu cầu, năng lực của người sản xuất như: tôm càng xanh, ốc nhồi, cá trê đồng, cá trắm, cá rô phi đơn tính.

Lớp học diễn ra sôi nổi, tập trung; giảng viên và học viên cùng nhau trao đổi, hỏi đáp các vấn đề về chuyên môn, đồng thời học viên được trực tiếp thực hành các nôi dung lý thuyết. Chính vì vậy, chương trình tập huấn được đánh giá là khá phù hợp và có hiệu quả.

Giảng viên và học viên trao đổi, thực hành trực tiếp tại hiện trường

 

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, diện tích chuyên nuôi thủy sản ổn định, cơ cấu diện tích chuyên nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được chú trọng, hy vọng trong thời gian tới, ngành thủy sản của Phú Thọ sẽ phát triển tích cực, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, các sản phẩm thủy sản sẽ từng bước khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân.

Nguyễn Sơn Tùng

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ