Lớp học được bố trí trong vụ lúa Đông Xuân, 25 học viên tham gia lớp học là nông dân có ruộng sản xuất lúa. Giảng viên là các cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt & BVTV huyện Tuy An đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo chương trình IPM. Thời gian khoá tập huấn được kéo dài cả một vụ sản xuất lúa với nội dung đào tạo được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đồng ruộng, bố trí các ô ruộng thực hành, thí nghiệm, đối chứng do học viên và giảng viên trực tiếp thực hiện, xuyên suốt cả một chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Nội dung bài học được dựa trên công tác điều tra sinh thái, thăm đồng, gắn từng thời điểm để đưa ra các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại khi phát sinh theo hướng quản lý dịch hại IPM.

Nội dung bài học được dựa trên công tác điều tra sinh thái, thăm đồng, gắn từng thời điểm sinh trưởng của cây lúa

Sau 10 tuần học các học viên nắm được  những kỹ năng cơ bản, chuyên môn kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại trên lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Học viên được thực hành thực tế theo các phương pháp điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, thảo luận các vấn đề kỹ thuật trồng cây lúa để đưa ra các cách giải quyết vấn đề một cách cụ thể và hiệu quả. Đặc biệt trong khoá học này, các học viên còn trực tiếp thí nghiệm nuôi côn trùng (thiên địch: nhện bắt mồi, kiến ba khoang; sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn...) để theo dõi vòng đời, mức độ gây hại, tập tính của chúng… phục vụ cho công tác dự báo tình hình sâu bệnh và đề ra phương pháp phòng trừ, bảo vệ cây lúa một cách hiệu quả nhất.

Kết thúc khoá tập huấn, 25 học viên này sẽ là lực lượng lòng cốt để tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật và tham gia chỉ đạo sản xuất cho bà con nông dân trồng lúa trên địa bàn trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, bảo vệ môi trường và tăng giá trị lúa gạo của địa phương.

Phan Chân Thuyên

Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên