Ngày 10/6/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò”. Hội thảo có sự tham gia của 40 đại biểu đến từ Chi cục Chăn nuôi – Thú Y, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, các thú y viên và nông dân chăn nuôi trong tỉnh.

Năm 2021, Quảng Ngãi có 70.000 con trâu, 282.000 con bò (trong đó, bò lai chiếm 73,7%). Chăn nuôi trâu bò là ngành sản xuất được tỉnh quan tâm tập trung nhiều nguồn lực đầu tư (chương trình/dự án khuyến nông, đề tài/dự án khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ,...), thực hiện đồng bộ từ công tác lai tạo giống, phát triển nguồn thức ăn xanh, phòng chống dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đào tạo dẫn tinh viên,... nên chăn nuôi trâu bò ở Quảng Ngãi đã có những bước phát triển đáng kể, đàn bò lai của tỉnh phát triển khá nhanh, bò thịt là một trong những thế mạnh trong sản xuất hàng hóa của tỉnh.

Theo báo cáo tại hội thảo, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tại 10.494 hộ/640 thôn thuộc 148 xã, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 18.081 con bò mắc bệnh, số chết tiêu hủy 842 con và 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viêm da nổi cục tiếp tục xảy ra ở diện rộng tại 894 cơ sở chăn nuôi nông hộ thuộc 70/173 xã, phường, thị trấn của 07/13 huyện, thị xã, thành phố (Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa) với tổng số 978 con mắc bệnh, làm chết 229 con.

Theo chi cục Chăn nuôi – Thú y, trâu, bò mọi lứa tuổi, mọi giống đều mắc bệnh; vi rút xâm nhập chủ yếu qua con đường chích hút máu của côn trùng chân đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng. Vì vậy, biện pháp phòng, chống dịch là phải tiêm phòng từ trung tâm ổ dịch ra bán kính 100 km và ngoài việc khử trùng tiêu độc vi rút ngoài môi trường còn phải sử dụng hóa chất tiêu diệt côn trùng hút máu. Điều đáng chú ý, một số trâu bò nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện bệnh vì mang vi rút nên lây bệnh cho con khỏe nên khi mua trâu, bò về nuôi chưa được tiêm phòng cần phải tiêm phòng ngay và nuôi cách ly, sau 28 ngày mới cho nhập đàn. Hiện nay, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh: 10 – 20%; tỷ lệ chết: 1 – 5%. Tuy nhiên, đôi khi tỷ lệ tử vong cao hơn 40% trở lên đặc biệt là bê lai.

Toàn cảnh hội thảo

 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, thú y viên và đại diện người chăn nuôi đã thảo luận đưa ra các giải pháp để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn toàn tỉnh. Các ý kiến tập trung về giải pháp nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu bò; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi thú y; chia sẻ kinh nghiệm về can thiệp bệnh cho thú y cơ sở,…

Bà Lê Thị Thanh, chuyên viên phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh cho biết, các biện pháp phòng và chữa bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò hiện nay là: Chủ động tiêm phòng vắc-xin (vắc-xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ) cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh mọi lứa tuổi, kể cả trâu, bò mẹ đang mang thai và vệ sinh; phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh; tiêu độc khử trùng vi rút VDNC bằng dung dịch Benkocid, Iodine 10%, vôi sống; phòng, chống côn trùng chân đốt hút máu (ruồi, muỗi, ve, mòng) truyền bệnh tại khu vực chuồng nuôi (có thể sử dụng các loại sản phẩm thuốc thú y có thành phần Deltamethrin 2%), đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 90% trâu bò thuộc diện tiêm (80% tổng đàn trâu bò). Đối với trâu, bò bị bệnh cần tăng cường sức đề kháng: Cho ăn thêm thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, cám, cỏ mềm,... và các loại thức ăn bổ sung chứa nhiều vitamine, khoáng chất. Tùy theo triệu chứng từng ca bệnh dùng thuốc cụ thể theo hướng dẫn của thú y.

Tại Quảng Ngãi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã và đang còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh đã được triển khai thực hiện và từng bước dịch bệnh được khống chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: công tác tổ chức chống dịch thiếu đồng bộ; một bộ phận người dân chưa làm tốt; năng lực của thú y cơ sở còn hạn chế… Trong thời tới cần phải có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò hiệu quả; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận người làm công tác thú y; hướng dẫn người chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch…

Kim Vân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi