Với thời lượng 3 ngày mỗi lớp các học viên đã được truyền tải các kiến thức về phương pháp khuyến nông theo lớp học hiện trường (FFS); kỹ năng thuyết trình và dẫn dắt thảo luận nhóm trong tổ chức lớp tập huấn khuyến nông; kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu; kỹ thuật nuôi cá trê lai, cá lóc trong ao vùng cát ven biển; kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi sau mưa lũ.

Quang cảnh một buổi tập huấn hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu

Song song với tập huấn lý thuyết trên lớp, các học viên còn được tham quan, thực hành tại các mô hình tiêu biểu trong tỉnh nhằm giúp các học viên nắm bắt sâu hơn về kỹ thuật sản xuất cũng như nhận diện tốt hơn về các sâu bệnh hại trên từng đối tượng cây trồng, con nuôi.

Ông Trần Cẩn – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các lớp tập huấn giúp học viên có cơ hội giao lưu học hỏi, được trang bị những kiến thức cần thiết cũng như tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng thực hành để sau khi kết thúc lớp học sẽ trở về triển khai các mô hình tại địa phương. Đồng thời với vai trò là những tiểu giảng viên, học viên sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn mở rộng cho nhiều đối tượng nông dân được tham gia.

Thục Quyên