Bà Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Hoạt động khuyến nông gắn liền với công tác xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật… Nhiều mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, nên việc nhân rộng các mô hình khuyến nông tiên tiến gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn đó, ngày 27/2/2002, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ban hành “Quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội”. Quỹ ra đời đã tạo thêm một kênh tài chính ưu đãi, giúp cho các chủ trang trại, các hộ sản xuất được vay vốn với mức phí thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Theo đó, Quỹ đã cho các cá nhân, tổ chức, vay vốn để mở rộng và phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô.

Sau 15 năm hoạt động (2002 - 2017) đến ngày 30/6/2017, Quỹ đã giải ngân cho 3.095 lượt hộ vay, với số vốn quay vòng là 507,860 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay để phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 49,66% tổng số hộ vay và 50,88% tổng số vốn đã giải ngân. Ngành trồng trọt có tỷ lệ hộ vay vốn thấp nhất, chiếm 9,95% tổng số hộ vay vốn và chiếm 12,03% tổng số vốn đã giải ngân.

Hoạt động của Quỹ đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của người dân. Tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và tiến tới xuất khẩu. Quỹ đã góp phần tạo ra 4.999 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Hoạt động của Quỹ đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Nam - Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, đặc biệt vùng chuyển đổi chăn nuôi - thủy sản xã Liên Châu, huyện Thanh Oai… tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 - 450 triệu đồng/ha canh tác/năm, những mô hình điểm đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm.

Đặc biệt, các phương án vay vốn Quỹ đã tạo ra nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ khuyến nông, nhân dân các vùng tới tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trong 15 năm đã có nhiều đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh bạn như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Phước, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về triển khai, quản lý Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội, đón 2.500 lượt nông dân tới tham quan các mô hình vay vốn đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hà Nội.

Mục tiêu trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động Quỹ Khuyến nông. Tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu các mô hình vay vốn Quỹ đạt giá trị sản phẩm hàng hóa bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm. Xây dựng những mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. Tỷ lệ nợ quá hạn không vượt quá 2% tổng nguồn vốn để giải ngân của Quỹ.

Để Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, hàng năm bổ sung nguồn vốn cho Quỹ để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của bà con nông dân, các trang trại, Hợp tác xã… trên địa bàn. Kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành sửa đổi quy chế quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao những thành tích mà Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã đạt được trong 15 năm qua. Bà khẳng định đây là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và lưu ý, trong thời gian tới cần có các cơ chế thuận lợi hơn nhằm giúp người dân tăng nguồn vốn trong sản xuất, tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, ưu tiên các mô hình áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất,... Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng các mô hình khuyến nông tiêu biểu trên địa bàn.

Kết thúc hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho 4 tập thể và 7 cá nhân; Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho 5 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông giai đoạn 2002 - 2017.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông giai đoạn 2002 – 2017

Hải Đường