Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến cuối 10/2018, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá (diện tích cộng dồn) ở 12 tỉnh thành là 39.645,7 ha. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn là 34.313 ha, nhiễm nặng 6.952,2 ha, diện tích đã tiêu hủy 143,2 ha. Diện tích còn trên đồng ruộng hiện khoảng 14 nghìn ha, một số diện tích đã thu hoạch, trong đó nhiễm nặng 5.129,4 ha, phân bố ở tất cả các huyện trong tỉnh. Mặc dù Bộ Nông nghiệp đã có chỉ đạo từ rất sớm và quyết liệt nhưng hiện nay bệnh hại không dừng và có nguy cơ tiếp tục lan rộng ra các tỉnh khác mà nguyên nhân chính là việc phát tán hom giống cây bệnh ra các vùng, tỉnh chưa có bệnh hại.

Ban chủ trì cuộc họp

Một số khó khăn, tồn tại chính trong thực tế sản xuất và công tác chỉ đạo là:

- Giống HLS11 là giống nhiễm bệnh khảm lá sắn rất nặng nhưng vẫn được trồng với diện tích khá lớn trên đồng ruộng.

- Thiếu hụt nguồn hom giống sạch bệnh cho sản xuất, mùa vụ liên tục nên có hiện tượng mua bán hom giống đã nhiễm bệnh hoặc nối vụ làm cầu nối dịch bệnh tích lũy lây lan.

- Nông dân có tập quán tự để giống sắn nên khó kiểm soát chất lượng giống. Những vườn, cây sắn bị bệnh nhẹ có thể chưa biểu hiện triệu chứng nên nông dân vẫn để giống, khi hom sắn mọc mầm mới biểu hiện bệnh nhưng nông dân cũng không tiêu hủy khiến tình trạng bệnh lây lan nhanh và nghiêm trọng hơn.

- Hiện nay cây sắn trồng để phục vụ công nghiệp chế biến cồn và tinh bột sắn, nhưng trong danh sách cây trồng thì cây sắn vẫn là cây lương thực nên mức hỗ trợ thấp (khi phải tiêu hủy), bên cạnh đó giá sắn hiện nay cao nên khó khuyến cáo nông dân tự nguyện tiêu hủy.

- Nhiều chủ vườn sắn là người từ nơi khác đến địa phương thuê đất trồng sắn nên không liên hệ được với chủ vườn để vận động, yêu cầu tiêu hủy hoặc chủ vườn không muốn tiêu hủy.

- Các vùng trồng sắn lớn chủ yếu là người dân tộc nên công tác hướng dẫn, chỉ đạo cũng gặp nhiều khó khăn.

- Một số nơi, công tác chỉ đạo phòng chống bệnh vẫn chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức và phong trào.

- Việc sắp xếp, thay đổi về tổ chức đối với hệ thống bảo vệ thực vật cơ sở tại các tỉnh cũng ảnh hưởng tới công tác báo cáo, chỉ đạo phòng chống bệnh (ví dụ như Bình Phước).

- Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09/02/2018 vẫn chưa có thuốc được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn - môi giới truyền bệnh khảm lá sắn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo tại cuộc họp

Từ hiện trạng nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật nhận định trong thời gian tới nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh ra khắp cả nước. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ trưởng, các văn bản, quy trình hướng dẫn phòng trừ bệnh của Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ban hành. Tỉnh Tây Ninh cần tổ chức quy hoạch và sản xuất giống sạch bệnh cung cấp cho nông dân trồng năm sau. Các địa phương mới bị nhiễm bệnh cần tổ chức điều tra tiêu hủy kịp thời để cắt nguồn bệnh, tiếp tục tuyên truyền nông dân hiểu tác hại của bệnh và có biện pháp phòng tránh. Các thành viên Tổ chỉ đạo và đơn vị thuộc bộ liên quan với chức năng nhiệm vụ của mình hỗ trợ địa phương phòng chống bệnh hại, coi đây là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên chỉ đạo.

 

BCĐ Trung ương phòng chống bệnh khảm lá sắn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung làm Phó Trưởng ban

BCĐ gồm 21 ủy viên, gồm Phó Chủ tịch UBND của 13 tỉnh thành (Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên); 8 đại diện từ ban ngành liên quan và các nhà khoa học đầu ngành.

 

 

GĐ. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia