Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh,  Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo tổng cục, cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo Sở nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt - BVTV, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phía Bắc; Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và một số cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, Vinaphone…

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 các tỉnh phía Bắc là 1.152 nghìn hecta, giảm so vụ đông xuân năm trước khoảng 11 nghìn hecta. Nguyên nhân giảm do các địa phương đã chủ động chuyển đổi một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn… Trong đó: vùng ĐBSH gieo cấy 546,6 nghìn hecta (giảm khoảng 7.000 ha), vùng Bắc Trung bộ 355,9 nghìn hecta (giảm khoảng 2.000 ha), vùng Trung du miền núi phía Bắc 249,6 nghìn hecta (giảm khoảng 2.000 ha). Về năng suất lúa, toàn vùng ước đạt 62,6 tạ/ha, tăng khoảng 0,4 tạ/ha so vụ đông xuân năm trước; sản lượng toàn vùng ước đạt 7.201 nghìn tấn, giảm so năm trước khoảng 22 nghìn tấn.

Cơ cấu trà lúa từng bước thay đổi trong những năm gần đây. Vụ đĐông xuân năm nay cũng tiếp nối các năm trước theo hướng thay đổi tăng nhanh giống ngắn ngày, tăng cơ cấu trà xuân muộn; tỉ lệ giống chất lượng tăng nhanh, nhiều vùng các giống có phẩm chất gạo ngon, dẻo, thơm thư: BT7, HT1, NB01, N97, N98, lúa Japonica… chiếm tỉ lệ cao.

Về diện tích sản xuất lúa lai trong vụ đông xuân 2015-2016 đạt khoảng 293,2 nghìn hecta (chiếm khoảng 25,5% diện tích), giảm khoảng 56.000 ha so vụ đông xuân năm trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu do nguồn cung cấp hạt giống, giá hạt giống lúa lai cao. Trong đó, diện tích lúa lai của vùng ĐBSH đạt 97,5 nghìn ha (17,8% diện tích) - giảm khoảng 18,5 nghìn hecta; vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 78,5 nghìn hecta (chiếm 31,5%); vùng Bắc Trung Bộ 117 nghìn hecta (chiếm 33%), diện tích giảm khoảng 27 nghìn hecta so năm trước. Về năng suất lúa lai trung bình ước đạt 68,2 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân toàn vùng khoảng 5,7 tạ/ha.

Kết quả sản xuất hạt giống lúa lai F1, tổng diện tích sản xuất trong vụ đông xuân 2015-2016 là 718,5 ha (giảm 22 ha so năm trước). Năng suất trung bình cho toàn bộ diện tích sản xuất khoảng 28 tạ/ha, cá biệt có diện tích đạt ≥ 33 tạ/ha. Ước sản lượng hạt giống sản xuất trong nước đạt khoảng 2.000 tấn.

Về tình hình sâu bệnh hại lúa, theo đánh giá từ Cục BVTV, vụ đông xuân 2015-2016 là vụ tương đối sạch sâu bệnh. Đặc biệt, bệnh đạo ôn lá giảm rất mạnh so năm trước: diện tích nhiễm 11.947 ha (giảm 70% so CKNT), nhiễm nặng 773 ha (giảm 79% so CKNT). Nguyên nhân do cơ cấu giảm tối đa trà sớm, tăng diện tích trà chính vụ và tra muộn; đồng thời do điều kiện thời tiết lạnh, kéo dài thời gian sinh trưởng khiến cho giai đoạn mẫn cảm của cây lúa lệch thời tiết thuận lợi sho sự phát sinh của bệnh nên hạn chế sự gây hại. Các đối tượng sâu hại nổi bật trong vụ đông xuân 2015-2016 là: sâu cuốn lá nhỏ có diện tích nhiễm 92.636 ha (tương đương cùng kỳ năm trước), nhưng diện tích nhiễm nặng chỉ 5.865 ha (giảm 52% so cùng kỳ năm trước). Đặc biệt chú ý là đối tượng rầy nâu và rầy lưng trắng có diện tích nhiễm khá lớn: 107.138 ha (tăng 162% so cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 14.252 ha (tăng 5 lần so cùng kỳ năm trước). Diện tích nhiễm rầy tập trung tại các tỉnh: Nam Định 41.900 ha, Thái Bình 34.500ha, Ninh Bình 21.072ha, Quảng Bình 5.322 ha…

Về sản xuất rau màu vụ Đông xuân 2015-2016: do điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt có nhiều đợt rét đậm, rét hại trong tháng 1/2016 đã ảnh hưởng đến sản xuất. Tổng diện tích sản xuất rau màu ước đạt 852 nghìn hecta, giảm khoảng 29.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích giảm ở hầu hết các loại cây trồng, như ngô đạt 372 nghìn hecta (giảm 24,7 nghìn hecta), khoai lang 55,7 nghìn hecta (giảm 13,7 nghìn hecta), đậu tương 36,9 nghìn hecta (giảm 20,6 nghìn hecta), lạc 102,4 nghìn hecta (giảm khoảng 8.000 ha)…

Báo cáo từ Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Cục Bảo vệ thực vật… đã thống nhất đánh giá những điểm thuận lợi, khó khăn trong điều kiện sản xuất vụ Đông xuân 2015-2016, đánh giá sự quan tâm chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ cũng như sự theo dõi sát sao, phối hợp chỉ đạo nhịp nhàng của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ đã góp phần làm nên thắng lợi trong sản xuất lúa vụ Đông xuân năm nay.

Hội nghị có nhiều ý kiến tham luận từ các tỉnh: Hà Nam, Yên Bái, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế… Các tỉnh cũng có chung nhận định về thắng lợi của vụ Đông xuân phần lớn là do các tỉnh đã chuyển mạnh cơ cấu mùa vụ sản xuất, theo hướng giảm tối đa trà lúa xuân sớm. Tuy nhiên, các tỉnh cũng lo ngại rằng, với thực trạng thời gian sinh trưởng kéo dài của lúa vụ Đông xuân sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp giống cho sản xuất vụ mùa.

Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Hiền Mai)

Để tổ chức tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2016 phục vụ cho tái cơ cấu ngành Trồng trọt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo, trong bối cảnh vụ sản xuất đông xuân kéo dài thời gian, đẩy thời vụ lúa hè thu, lúa mùa - đặc biệt là mùa sớm bị muộn, ảnh hưởng đến sản xuất cây vụ đông tới. Sản xuất vẫn còn bị ảnh hưởng khôn lường do biến đổi khí hậu, các vụ sản xuất vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng khí hậu cực đoan El Nino từ cuối năm 2014.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chỉ đạo sản xuất từ trung ương đến địa phương tập trung chỉ đạo:

1. Với lúa vụ đông xuân: tiếp tục theo dõi các lứa rầy để phòng trừ kịp thời, không chủ quan, không để các lứa rầy làm thiệt hại, giảm năng suất lúa. Chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn vụ lúa đông xuân với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”.

2. Biện pháp sạ lúa trong vụ mùa phải cân nhắc đối với từng chân ruộng. Biện pháp làm mạ, cấy vẫn là biện pháp chủ động, đảm bảo thời vụ.

3. Về giống: các địa phương tích cực chuẩn bị, rà soát các bộ giống thích ứng với địa phương và tăng cường bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng, đặc biệt chuẩn bị những giống đảm bảo phẩm cấp, kháng bệnh bạc lá.

4. Các địa phương quan tâm và tích cực rà soát, đánh giá lại: diện tích, năng suất và sản lượng lúa đông xuân; tính toán, xác định kỹ thời gian giải phóng đất vụ Đông xuân và Khả năng cung ứng giống lúa cho vụ hè thu, vụ mùa của địa phương đảm bảo theo hướng giống phải đảm bảo: đúng giống, chất lượng và giá giống không tăng.

Trước những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tốt nhất cho kế hoạch sản xuất vụ lúa hè thu, mùa năm 2016, ngành Nông nghiệp quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất với diện tích dự kiến là 1.322 nghìn hecta cho các tỉnh phía Bắc.

Vũ Thị Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia