Với mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông về nghiệp vụ và phương pháp khuyến nông, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai công tác đào tạo huấn luyện với nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách tiếp cận.

1. Cách tiếp cận mới

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chương trình đào tạo cán bộ khuyến nông nguồn (giảng viên cấp quốc gia) có đủ năng lực về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành, mỗi tỉnh tối thiểu từ 5 - 10 giảng viên nòng cốt, đội ngũ giảng viên này sẽ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo mới và sẽ là lực lượng chính đào tạo lại hệ thống khuyến nông viên cơ sở tại từng địa phương.

Đào tạo trọng tâm, trọng điểm theo khung chương trình ưu tiên được xác định phục vụ tái cơ cấu từng ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép đào tạo nghiệp vụ khuyến nông với tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tăng khả năng nhân rộng sau đào tạo. Xây dựng học liệu phục vụ đào tạo khuyến nông, sau khi được tập huấn, học viên có thể sử dụng học liệu để đào tạo lại, hoặc ứng dụng vào sản xuất.


2. Đổi mới nội dung

Nội dung đào tạo theo định hướng phục vụ mục tiêu phát triển ngành, được xác định cụ thể: Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp khuyến nông để cán bộ kỹ thuật trở thành giảng viên khuyến nông; Đào tạo phương pháp quản lý, cách triển khai và xây dựng dự án khuyến nông; phương pháp sử dụng công nghệ thông tin cho nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa; chuyển giao tiến bộ nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho những nhóm ngành hàng lợi thế phục vụ xuất khẩu. Phổ biến chính sách nông nghiệp trọng tâm của ngành; Tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu (giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng, phòng chống tác động xấu biến đối khí hậu trong nông nghiệp. Tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông. Tiếp tục đào tạo về phương pháp tập huấn, viết tin bài, kỹ năng tổ chức các sự kiện khuyến nông. Bồi dưỡng kiến thức về kinh tế xã hội cho cán bộ khuyến nông (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, các văn bản mới trong sản xuất nông nghiệp…)

3. Một số kết quả bước đầu của công tác đào tạo huấn luyện năm 2015

a. Về chất lượng đào tạo

Năm 2015, Trung tâm KNQG trực tiếp đào tạo 180 giảng viên khuyến nông quốc gia cho 63 tỉnh thành phố, bình quân mỗi tỉnh có 2-3 học viên. Học viên được cung cấp kiến thức về chủ trương chính sách mới Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kinh tế hợp tác, xây dựng nông thôn mới, đồng thời được cập nhận tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt được nâng cao kiến thức kỹ năng dạy học để trực tiếp tổ chức và đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông cơ sở.

Sau khi kết thúc lớp học nhiều học viên đã có khả năng đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông cơ sở về phương pháp, kỹ thuật chuyên đề. Đặc biệt là cán bộ khuyến nông các tỉnh Tây Nam Bộ và vùng miền núi phía Bắc đã ít nhất tham gia giảng dạy 2-3 khóa học TOT do tỉnh tổ chức đạt kết quả tốt.

b. Về nội dung đào tạo

Tăng cường bồi dưỡng kiến thức kinh tế xã hội để đáp ứng như cầu thực tế sản xuất, tổ chức các lớp đào tạo phổ biến chính sách tái cơ cấu ngành, kinh tế hợp tác, xây dựng nông thôn mới.. cho 180 cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt trung tâm khuyến nông các tỉnh.

- Ưu tiên tập huấn nội dung nông nghiệp công nghệ cao: Năm 2015, Trung tâm đã tập huấn cho trên 4000 lượt cán khuyến nông vùng Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên về tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao, liên kết sản xuất theo cách tiếp cận chuỗi.

- Tập huấn về kỹ thuật chuyên ngành. Ưu tiên các cây, con chủ lực, bám sát vào định hướng tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền. Sản xuất theo hướng GAHP, VietGAP, biến đổi khí hậu, sản xuất theo định hướng thị trường.

- Tập huấn nghiệp vụ, phương pháp khuyến nông lồng ghép với các chủ đề kỹ thuật chuyên ngành. Trong năm qua, đã tập huấn cho hơn 6930 lượt cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện về nghiệp vụ phương pháp, kỹ năng giảng bài để trở thành giảng viên đào tạo lại cho nông dân.

- Tập huấn kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông để tham gia dạy nghề nông nghiệp cho nông dân. Năm 2015, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 100 cán bộ khuyến nông để tham gia dạy 132 nghề nông nghiệp cho nông dân.

c. Về phương pháp đào tạo

Kết hợp nhiều phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường giảng thực hành trên đồng ruộng, mỗi lớp học khuyến nông ít nhất có từ 1-2 ngày thực hành trên đồng ruộng, gắn với mô hình. Kết hợp giữa nghe và nhìn. Học viên có tài liệu đọc, nghiên cứu, nghe giảng và thảo luận, xem băng hình và tham quan mô hình, trao đổi đầu bờ.  

Sử dụng phương pháp đào tạo thông qua truyền thông: Hiện nay, Trung tâm sử dụng đĩa hình kỹ thuật, video clip đăng tải trên trang website khuyennongvn.gov.vn để  chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây trồng vật nuôi. Đây cũng là nguồn học liệu để khuyến nông các tỉnh sử dụng trong công tác đào tạo với hơn 100 đĩa hình và video kỹ thuật được phổ biến qua mạng khuyến nông.

Áp dụng phương pháp dạy học lấy học viên làm trung tâm, phương pháp FFS trường học của nông dân - kết hợp định hướng và nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình, bài giảng áp dụng phương giảng 2 chiều ngay trên lớp học, 70% số lớp học áp dụng theo phương phương pháp này.


 

d. Về hình thức đào tạo đã được cải tiến

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trực tiếp tổ chức thực hiện 145 lớp tập huấn cho 4350 lượt học viên về nghiệp vụ, phương pháp khuyến nông, tổ chức sản xuất trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, còn phối hợp với 63 Trung tâm khuyến nông các tỉnh/TP tổ chức 225 lớp tập huấn cho 6750 học viên trên toàn quốc. Đặc biệt, năm qua Trung tâm đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế như JICA và SNV thực hiện đánh giá nhu cầu, tổ chức các lớp học nghiệp vụ, phương pháp khuyến nông, kỹ thuật chuyên ngành để chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp khuyến nông tiên tiến. Cụ thể đã tổ chức 10 khóa học TOT về sản xuất cà phê bền vững tại Tây Nguyên. 

Các tài liệu được cải tiến cả về hình thức và nội dung (nội dung biên soạn gắn với hướng dẫn tổ chức các bài giảng, với công cụ giảng bài, tranh kỹ thuật hoặc đĩa hình,...) Đặc biệt những tài liệu này được biên soạn đơn giản phù hợp với tập huấn cho nông dân, người lớn tuổi. Nội dung tài liệu đa dạng, đa ngành, có thể sử dụng linh hoạt cho khóa tập huấn dài ngày hoặc ngắn ngày... Đây là những “cẩm nang” để các tiểu giáo viên sử dụng trong hoạt động tập huấn khuyến nông tại địa phương.

Năm 2015, xây dựng và chỉnh sửa 7 bộ tài liệu tập huấn khuyến nông và 7 đĩa hình khuyến nông cho các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, khuyến công, nghiệp vụ khuyến nông.

4. Hiệu quả đem lại từ sự đổi mới hoạt động đào tạo khuyến nông năm 2015:

Xây dựng đươc đội ngũ giảng viên chuyên về phương pháp, kỹ năng khuyến nông tại địa phương, các đơn vị sẽ chủ động hơn về thời gian tổ chức triển khai đảm bảo đúng mùa vụ, giảm chi phí thuê giảng viên từ các tỉnh khác.

Xây dựng đươc bộ tài liệu “Phương pháp, kỹ năng khuyến nông có sự tham gia” được sử dụng cho cả hệ thống khuyến nông từ Trung ương xuống địa phương và các đơn vị khối viện, trường tham gia hoạt động đào tạo khuyến nông.

Đào tạo được đội ngũ khuyến nông cơ sở có năng lực, trình độ tham gia các hoạt động khuyến nông cơ sở giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao, góp phần sự nghiệp tái cơ cấu, gắn với nông thôn mới.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phát huy kết quả đã đạt được, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục đổi mới phương pháp khuyến nông nhằm xây dựng hệ thống khuyến nông có đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ mới phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

TS. Nguyễn Viết Khoa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia