Học viên nắm bắt được các thông tin, chính sách mới liên quan đến hoạt động khuyến nông

TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ với các học viên về một số thông tin, chính sách mới liên quan đến hoạt động khuyến nông trong đó tập trung hướng dẫn Nghị định 83 về khuyến nông, những thay đổi của Nghị định 83 so với Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý khi triển khai các hoạt động khuyến nông theo các quy định mới.

TS. Trần Văn Khởi chia sẻ một số chính sách mới trong lĩnh vực khuyến nông

Ths. Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ cho học viên những vấn đề mấu chốt trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bài giảng của mình ông nêu rõ một số nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành đó là: Tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế; Phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nâng cao giá trị gia tăng; Phát triển bền vững (xanh, sạch, thông minh, nhân văn); Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Tổ chức lại sản xuất theo Nghị định 98 của Chính phủ; Xây dựng nhãn hiệu, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, phân phối trong và ngoài nước; Hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo; Bảo vệ môi trường sinh thái; Xây dựng nông thôn mới; Hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; Đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Học viên được chia sẻ kiến thức mới về Cách mạng công nghiệp 4.0 và nông nghiệp công nghệ cao

Tại lớp tập huấn, TS Bùi Đình Hòa, giảng viên của trường Đại học Nông lâm đã chia sẻ với học viên về khái niệm nông nghiệp 4.0 (hay còn gọi là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số) là các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý và công nghệ sinh học điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất - kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.

TS Bùi Đình Hòa cho biết, tại Việt Nam, một số ngành và lĩnh vực đã bắt đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ của nông nghệ 4.0 như công nghệ gen, sinh học phân tử để tạo giống cây trồng, vật nuôi, quản lý dịch; hệ thống khuyến nông thông minh –AgriOne của Viettel đã số hóa và cung cấp thông tin về nông nghiệp cho nông dân qua các thiết bị di động; phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh đã được ứng dụng ở Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Đà Lạt, Gia Lai, Nghệ An; Trang trại TH đã gắn chip điện tử vào bò để quản lý động dục, phát hiện triệu chứng viêm vú trước 4 ngày, phân loại bò theo tình trạng sinh sản, năng suất trên cơ sở đó đã tự động hóa quy trình vắt sữa khép kín; Hệ thống cảm biến nano, dung dịch nano bạc được sử dụng hiệu quả quản lý môi trường và bệnh thủy sản; hệ thống truy xuất nguồn gốc tích hợp chống hàng giả - Agricheck được xây dựng và áp dụng trong sản xuất kinh doanh nông sản, Tập đoàn Minh Phú dùng cơ sở dữ liệu đám mây trong chế biến tôm đã tạo ra sản phẩm tôm đạt chuẩn vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU; Các trang trại ở Đà Lạt đã sử dụng hữu hiệu internet vạn vật và công nghệ cảm biến trong sản xuất rau và hoa quả chất lượng cao,...

Học viên được cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở các tiến bộ kỹ thuật mới được các giảng viên chia sẻ, các học viên có thể lựa chọn và áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả vào sản xuất của địa phương.

Tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản được Ths. Kim Văn Tiêu chia sẻ tại lớp học. Ngoài tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm theo công nghệ 3D giúp tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ông Tiêu còn chia sẻ các chính sách mới liên quan đến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp học viên có

Trong lĩnh vực trồng trọt được Ths. Hoàng Văn Hồng – Trưởng phòng khuyến nông trồng trọt và Lâm nghiệp – TTKN Quốc gia chia sẻ những tiến bộ kỹ thuật mới về các loại giống lúa, ngô, khoai tây, cà chua, đậu tương, sắn, chè, mía, hoa phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc và áp dụng kiến thức về đất, phân bón vào thực tiễn sản xuất của địa phương.

Trong lĩnh vực chăn nuôi được Ths. Nguyễn Văn Hưởng – Phó trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y chia sẻ. Tại lớp tập huấn, ông Hưởng cho biết trong thời gian từ năm 2009-2019 đã có 80 tiến bộ kỹ thuật được công nhận và được chuyển giao vào sản xuất trong đó chăn nuôi lợn có 11 tiến bộ mới về giống, quy trình, thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi gia cầm có 48 TBKT; chăn nuôi trâu, bò, ngựa có 6 TBKT; chăn nuôi tằm có 7 TBKT và về môi trường chăn nuôi, công nghệ khác có 8 TBKT;

Học viên nắm vững được phương pháp xây dựng tài liệu tập huấn và giám sát đánh giá hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông

Tài liệu tập huấn là tư liệu cần thiết giúp cho đội ngũ tập huấn viên khuyến nông sử dụng để giảng dạy cho các lớp tập huấn khuyến nông.

TS. Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện – TTKN Quốc gia đã giúp học viên nắm bắt được phương pháp xây dựng tài liệu tập huấn khuyến nông từ quy cách xây dựng và cập nhật tài liệu tập huấn khuyến nông đến yêu cầu  bố cục tài liệu và hướng dẫn xây dựng kế hoạch bài giảng trong tài liệu tập huấn khuyến nông. TS. Sơn cũng đã đưa ra mẫu đề cương tài liệu tập huấn khuyến nông để học viên tham khảo và thực hành xây dựng đề cương, kế hoạch bài giảng ngay tại lớp học. Qua đó học viên có thể vận dụng để xây dựng bài giảng tập huấn đạt yêu cầu, đáp ứng yêu cầu của chương trình tập huấn khuyến nông.

TS. Nguyễn Viết Khoa – Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện – TTKN Quốc gia đã hướng dẫn học viên về đánh giá đào tạo khuyến nông. Học viên nắm bắt được thế nào làm đánh giá đào tạo, tại sao đánh giá đào tạo là cần thiết, các cấp độ đánh giá đào tạo thế nào và các phương pháp đánh giá đào tạo. Các học viên đã vận dụng kiến thức để đánh giá về lớp tập huấn qua phần thực hành ngay tại lớp học.

Học viên được chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi bò an toàn sinh học theo quy trình khép kín và liên kết chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm

Học viên tham quan học tập mô hình chăn nuôi bò, xã Trường Yên, huyện Yên Mông, tỉnh Hòa Bình. Đây là mô hình chăn nuôi bò an toàn sinh học, theo qui trình khép kín từ cung cấp thức ăn cho đến liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tại mô hình, học viên được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến thức ăn cho bò từ nguyên liệu thô như: bắp ngô, mía, cỏ, bột sắn..; Chia sẻ kinh nghiệm về cách sử dụng vỏ keo nghiền và sử dụng công nghệ vi sinh làm đệm lót sinh học để khử mùi phân bò; cách xử lý môi trường xung quanh chuồng trại để không bị ảnh hưởng đến các nhà dân xung quanh và đảm bảo sức khỏe cho chính chủ trang trại; Cách sử dụng chất thải từ chăn nuôi bò làm phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho các trang trại trồng trọt khu vực phía Bắc vừa đảm bảo môi trường vừa nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò.

Học viên tham quan mô hình chăn nuôi bò xã Trường Yên, huyện Yên Mông, tỉnh Hòa Bình

Nhờ áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến nên sản phẩm thịt bò của trang trại thơm ngon. Theo ông Hà Văn Thắng, chủ trang trại bò cho biết hiện sản phẩm thịt bò của trang trại không đủ cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Ông Thắng cũng nhấn mạnh hiện nay trang trại của ông đang liên kết với 10 nghìn hộ dân chăn nuôi bò trên nguyên tắc chia sẻ lợi
ích. Trang trại của ông sẽ cung cấp nguồn giống, thức ăn, dịch vụ thú y, bà con nông dân sẽ cung cấp sản phẩm từ chăn nuôi bò và phế phụ phẩm trong chăn nuôi bò để làm phân bón hữu cơ, góp phần vào nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch và bền vững.

Kết thúc lớp tập huấn, hầu hết các học viên đều đánh giá cao về chất lượng lớp tập huấn. Nội dung bài giảng có cập nhật nhiều kiến thức và thông tin mới đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của công việc và sản xuất của địa phương. Các giảng viên có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, có phương pháp và kỹ năng giảng bài tốt. Công tác tổ chức lớp khoa học, bài bản. Thông qua lớp tập huấn đã giúp các học viên nắm bắt được các chính mới trong lĩnh vực khuyến nông, nắm được các tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như biết cách xây dựng tài liệu bài giảng khuyến nông, cách đánh giá hoạt động đào tạo để áp dụng vào công tác đào tạo huấn luyện tại địa phương một cách hiệu quả./.

Xem phóng sự về lớp tập huấn tại đây

Thanh Huyền – Huy Nghĩa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia