Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất một số cây trồng truyền thống không thuận lợi, giá cả nông sản giảm như mía, khoai mỳ (sắn), nhất là giá mủ cao su giảm mạnh... Do đó, người nông dân đang chuyển đổi sang trồng một số cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây nhãn. Tính đến đầu năm 2019, tổng diện tích trồng nhãn của tỉnh là 3.838 ha, năng suất từ 78,19- 119,66 tạ/ha, sản lượng đạt 31.079 tấn, trong đó diện tích trồng giống nhãn tiêu da bò chiếm chủ yếu, ngoài ra còn một số giống nhãn khác như nhãn Ido, nhãn xuồng, thanh nhãn…

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Hạnh – Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã giới thiệu đến nông dân tham dự những giống nhãn có năng suất cao, có tiềm năng phát triển; hướng dẫn thực hành kỹ thuật ghép cải tạo trên gốc nhãn tiêu da bò, kỹ thuật chăm sóc cây nhãn sau khi ghép.

Hội thảo góp phần tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi giống nhãn tiêu da bò kém chất lượng sang trồng các giống nhãn có chất lượng tốt hơn như nhãn Ido, nhãn xuồng, thanh nhãn… Đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thái Sơn

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh