Năm 2020 Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC và chính quyền địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, lựa chọn địa điểm và vận động 186 hộ tham gia thực hiện mô hình với diện tích 60 ha; thành lập được 6 tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX).

Các THT, HTX có ban quản lý và đã đi vào hoạt động ổn định. Các hộ tham gia sản xuất sau khi được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC cấp giấy chứng nhận về nhận thức chung, thực hành, đánh giá nội bộ nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-1-2:2017… Đồng thời, các hộ được hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc BVTV nguồn gốc sinh học thảo mộc; hỗ trợ đánh giá chứng nhận chuyển đổi sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017; được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tư vấn từng điểm...

Năm 2020, các HTX,THT đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC cấp chứng nhận là sản phẩm chuyển đổi năm thứ nhất để phù hợp các yêu cầu trong tiêu chuẩn nông nghiệp nông nghiệp Quốc gia theo TCVN 11041-2:2017.

Kết quả bước đầu cho thấy hệ sinh thái nương chè bắt đầu có sự thay đổi. Môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện; tình hình sinh trưởng của chè vẫn ổn định về năng suất và chất lượng; đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng nhờ canh tác thân thiện với thiên nhiên và sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. 

Tập huấn, thực hành điều tra sâu, bệnh hại tại nương chè xóm Chính Phú 3, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ

 

Theo kế hoạch, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn hỗ trợ khắc phục các điểm chưa phù hợp đã được tổ chức chứng nhận đánh giá chỉ ra. Tư vấn duy trì, vận hành, cải tiến hoạt động của Ban quản lý mô hình phù hợp với sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tư vấn sử dụng tem nhãn, đóng gói sản phẩm để tuyên truyền, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Đồng thời tổ chức thực hiện các nội dung như: đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức, hỗ trợ vật tư, đánh giá cấp chứng nhận duy trì sản xuất chè hữu cơ theo phương án sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt.

Phấn đấu đến cuối năm 2022 có ít nhất 50% diện tích tham gia mô hình đạt chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017. Đồng thời, xây dựng thành công chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại mỗi điểm mô hình, nhằm tạo vùng sản xuất bền vững nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người sản xuất tăng từ 10% trở lên. Đây sẽ là những điểm tham quan, học tập về sản xuất chè hữu cơ và Trung tâm Khuyến nông sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất chè hữu cơ để khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.

Dương Trung Kiên

Trung Tâm Khuyến nông Thái Nguyên