Là địa phương thường xuyên chịu bất lợi của thiên tai nhưng từ lâu sản xuất vụ đông ở xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã trở thành một trong 3 vụ sản xuất chính, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Bước vào sản xuất vụ đông năm nay, xã Đức Lạng chỉ đạo tất cả các thôn triển khai sớm để kịp thời vụ, đồng thời tránh lũ lụt. Với phương châm chỗ thấp làm trước, chỗ cao làm sau, trồng đến đâu chắc ăn đến đó nên đến thời điểm này, việc gieo trồng vụ đông trên địa bàn xã đạt trên 70% diện tích.

Nông dẫn xã Đức Lạng chăm sóc ngô đông

 

Trong 100 ha cây trồng vụ đông năm nay, xã Đức Lạng cơ cấu 70 ha ngô, còn lại là lạc đông, hành tăm, kiệu và rau màu các loại. Trong lúc nhiều địa phương khác đang làm đất sản xuất vụ đông thì hầu hết diện tích ngô ở xã Đức Lạng đã ra lá thứ 5, thứ 6, một số trà ngô gieo trỉa sớm đã có 8-9 lá. Hiện nay, tranh thủ thời tiết tạnh ráo bà con nông dân tập trung ra đồng chăm sóc, bón thúc sớm, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho những diện tích cây màu đã trồng. Đồng thời tiếp tục gieo trỉa các diện tích còn lại, nhằm phấn đấu khép kín toàn bộ diện tích vụ đông trong vài ngày tới.

Đối với 2 ha gieo trỉa lạc đông để làm giống cho vụ xuân sắp tới, xã đã chỉ đạo bà con nông dân che phủ ni-lông. Việc sản xuất lạc giống có che phủ ni-lông vừa để diệt cỏ dại vừa để phòng mưa làm xói lở luống lạc.

 
Nhờ chủ động linh hoạt trong sản xuất nên một số địa phương đã nhanh chóng phủ xanh diện tích vụ đông

 

Là một xã phát triển cây trồng vụ đông lớn nhất của huyện Lộc Hà, ngay sau khi triển khai đề án sản xuất, chính quyền xã Thịnh Lộc đã phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn vận động bà con tranh thủ thời gian, tích cực chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sản xuất vụ Đông. Những năm trước sản xuất vụ đông thường gặp rủi ro về thời tiết, mưa bão thất thường, ngập úng cục bộ nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Năm nay, xã Thịnh Lộc đã có chính sách hỗ trợ giống để kích cầu sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Đối với xã Thịnh Lộc, trong các loại cây trồng thì khoai lang là cây trồng chủ đạo. Theo bà con, khoai lang là cây dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế ổn định nên được trồng nhiều. Khoai lang ở đây trồng chủ yếu là giống chiêm bông và chiêm đỏ, luôn cho củ to, thơm ngon, dễ tiêu thụ. Do cây khoai lang ở Thịnh Lộc chủ yếu bố trí trồng trên đất trồng lạc vụ xuân nên thời vụ hết sức khẩn trương.

“Đến nay xã Thịnh Lộc đã sản xuất được 85ha khoai so với kế hoạch sản xuất 70 ha. Ngoài khoai lang thì xã còn sản xuất 45 ha rau các loại và 40 ha ngô lấy hạt. Cùng với chỉ đạo sản xuất sát sao, xã cũng đã hỗ trợ ngô giống cho bà con để gieo trỉa 30 ha, số còn lại nông dân tự chủ động”, ông Trần Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà cho hay.

Khác với các huyện đồng bằng và ven biển, mặc dù là địa phương có thế mạnh về sản xuất cây vụ đông, nhưng huyện miền núi Hương Sơn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết gây ra nên tiến độ sản xuất vụ đông diễn ra còn chậm. Năm nay, toàn huyện Hương Sơn có kế hoạch gieo trỉa 1.630 ha ngô, 350 ha rau và 60 ha khoai lang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, đến nay, mặc dù gần 1.000 ha đã được bà con làm đất xong nhưng chỉ có trên 150 ha vùng cao ráo được xuống giống, mới chỉ đạt tỉ lệ 11% kế hoạch. Còn diện tích rau màu chỉ mới được trồng 100 ha trong tổng số 350 ha theo kế hoạch.

Theo định hướng của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, vụ đông 2021, toàn tỉnh sẽ sản xuất 11.332 ha, trong đó rau các loại là 4.558 ha; ngô lấy hạt: 3.726 ha; ngô sinh khối: 1.568 ha; cây khoai lang: 1.480 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng số diện tích gieo trỉa mới chỉ đạt 30% kế hoạch. Điều này càng đòi hỏi chính quyền các địa phương phải thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, bà con nông dân phải chủ động trong sản xuất, để có thể hoàn thành tiến độ và mục tiêu kế hoạch sản xuất đề ra.

Quan điểm là bố trí hợp lý, đa dạng các loại cây trồng, để né tránh thiên tai. Phát huy kinh tế vườn hộ chủ động trong việc phục vụ đời sống dân sinh. Phát huy lợi thế của từng vùng lựa chọn sản phẩm có lợi thế để sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số kết nối các sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả đặc sản có lợi thế với thị trường.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương ưu tiên các giống ngắn ngày, tận dụng các loại rau ăn lá để không làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế của bà con nông dân khi gặp thời tiết bất lợi./.

Nguyễn Hoàn

 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh