Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Xuân Dương - Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; PGS. TS Phan Thanh Tâm - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Buổi tọa đàm tập trung vào các nội dung: thông tin về tình hình dịch bệnh nói chung và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được các cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện. Các chuyên gia, nhà quản lý trực tiếp trả lời các câu hỏi liên quan đến dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý giải đáp về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với việc tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch bệnh; việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt lợn; hướng dẫn bảo quản, tiêu thụ thịt lợn an toàn, cũng như phân tích những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, hiến kế những giải pháp nhằm thúc đẩy chăn nuôi an toàn, bền vững. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên báo điện tử Dân Việt và livestream trên Fanpage: danviet.vn và đã thu hút hàng chục câu hỏi của độc giả, các nhà báo - phóng viên đến từ các cơ quan truyền thông.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, 62 huyện, 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thừa Thiên Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số lợn bệnh, nghi bị bệnh phải tiêu hủy là 34.774 con. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai tích cực đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng do tính đặc thù của loại dịch bệnh này nên vẫn còn lây lan, không thể "một sớm, một chiều" khống chế ngay được.

Tại buổi tọa đàm PGS. TS Phan Thanh Tâm - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, muốn nhận biết nguyên liệu thịt lợn an toàn cho người tiêu dùng về mặt lý thuyết cần có dấu kiểm định lợn của thú y. Về mặt cảm quan, thịt lợn bị dịch tả châu Phi thì ngoài việc sốt, xuất huyết, lợn có vết tím, xám ở vùng bụng, chân, thịt không có độ mềm dẻo, săn chắc.

Tất cả các sản phẩm thịt được được chế biến nhiệt trên 70% tạo cảm quan ngon, ở nước ngoài người ta bán rất nhiều nhiệt kế an toàn để cắm vào miếng thịt nhằm kiểm tra, đó là cách rất tốt để kiểm tra thịt an toàn. Trên nhiệt đó ở chỗ sâu nhất cả thịt đảm bảo tiêu diệt hết các loại giun sán, ấu trùng... đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng có những cách truyền thống rất hay để kiểm tra nhiệt độ của thịt, cụ thể là dùng những vật nhọn để xiên vào thịt khi chế biến. Nếu thấy dịch tiết ra không có màu đỏ hồng thì cũng đã đạt trên 70 độ C. Nếu luộc bằng nước thì đo nhiệt độ nước cũng có thể biết được. Khi cắt ra không thấy rỉ dịch màu đỏ hồng nữa như khi thịt còn tươi. Đó là cách để người tiêu dùng biết mà chế biến và sử dụng thịt an toàn. PGS. TS Tâm nhấn mạnh thêm, ngoài nhiệt độ còn phải có yếu tố thời gian và tùy vào trọng lượng, kích cỡ của miếng thịt để có thể đảm bảo gia nhiệt tốt nhất, an toàn nhất cho miếng thịt. Chỉ khi đạt được những điều kiện đúng và đủ thì miếng thịt mới đạt được cảm quan tốt nhất và đạt độ an toàn nhất. Bên cạnh phương pháp gia nhiệt, chúng ta còn có vòng bảo vệ cuối cùng nữa, đó chính là phương pháp chế biến hợp vệ sinh, an toàn.

Đối với các loại thịt lên men như thịt muối, nem chua, thịt chua thì các loại giun, sán chưa thể bị loại bỏ hết nên tốt nhất người tiêu dùng hạn chế các loại thực phẩm này. Muốn an toàn nhất bà con hãy mua ở siêu thị, vì sản phẩm thịt lợn ở siêu thị đã được kiểm soát chặt chẽ, bảo quản trong tủ mát theo đúng tiêu chuẩn.

Trong buổi tọa đàm các đại biểu đã trao đổi, giải đáp và trả lời các câu hỏi nhấn mạnh đến giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn.

TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi lợn là rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của dịch tả lợn châu Phi. Về quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà con cần chọn giống từ những cặp bố mẹ có năng suất cao, nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu. Nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ, thường xuyên vệ sịnh cọ rửa máng ăn - máng uống. Bên cạnh đó, đàn lợn cần được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ.

Hiện nay chưa có thuốc và vắc - xin cho bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do đó, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng trừ dịch bệnh. Trong thời điểm hiện nay, bà con cần thực hiện nghiêm phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó chú ý tiêu độc khử trùng cho đàn lợn. Để đạt được hiệu quả cao trong sát trùng bà con cần chú ý làm sạch chuồng trại trước khi tiêu độc khử trùng. Đây là bước quan trọng, bao gồm dọn dẹp toàn bộ chất hữu cơ có trong chuồng trại một cách triệt để, tiến hành cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi làm giảm đi vi sinh vật làm tiền đề cho các bước sau.

TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm KNQG chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y chia sẻ thêm, hiện nay phương pháp rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả đã được kiểm chứng và được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng. Biện pháp này đã được tất cả các địa phương thực hiện và cho thấy hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh rất tốt, các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng biện pháp này.

Ông nhấn mạnh, theo Thông tư 4527 ngày 15/11/2018 do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành thì sau 30 ngày kể từ ngày địa phương đó thực hiện tiêu hủy con vật nhiễm bệnh cuối cùng, người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo là bà con không nên tái đàn một sách vội vàng, ồ ạt. Bước đầu chỉ nên nuôi 10% công năng, gọi là nuôi chỉ báo, sau đó lấy mẫu xem mầm bệnh còn tồn tại hay không rồi mới tăng đàn dần dần để đạt mức nuôi ban đầu. Bởi nếu con lợn bị nhiễm bệnh này thì con lợn cần thời gian từ 19 - 30 ngày để phát bệnh, sau khoảng thời gian trên nếu không có con vật nào nhiễm bệnh thì chúng ta mới được phép công bố hết dịch và có thể tái đàn.

TS. Hạ Thúy Hạnh cho biết thêm, trước khi tái đàn chúng ta phải thực hiện tốt việc làm sạch, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, quần ao dụng cụ chăn nuôi… trước khi tái đàn. Đây là việc làm vô cùng cần thiết để phòng trừ các dịch bệnh khác chứ không riêng gì dịch bệnh mà đàn gia súc gia cầm đã mắc phải trước đó. Đặc biệt, để tránh thiệt hại cho bà con, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên tiêu diệt các loại côn trùng như: muỗi, gián, chuột, các loại ve mềm… Đây cũng chính là trung gian gây bệnh mà nếu không chú ý thì không thể tiêu diệt hết mầm bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, những giải pháp phòng chống dịch đang được triển khai rất tích cực, kịp thời. Hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để không sử dụng. Một lần nữa, ông kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch. Một cử chỉ của người tiêu dùng lúc này - ăn thịt lợn sạch là một cách chung tay cùng nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.

Ông Dương nhấn mạnh, việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh. Do đó phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản, sữa… nhằm tái cơ cấu nhanh nhất ngành chăn nuôi để chúng ta hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. 

1.     PV Mỹ Hạnh - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm

Thanh Thúy