Cá lăng đuôi đỏ là loài cá bản địa, có giá trị kinh tế cao, phù hợp để thả tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện Củ Chi. Thông qua công tác thả giống thủy sản, Chi cục Thủy sản TP.HCM đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, bảo tồn môi trường sinh thái, tuyên truyền cho người dân không khai thác thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.

Các thành viên tham gia buổi Lễ thả cá giống trên sông Sài Gòn tại khu vực Đền Tưởng niệm Bến Dược 

Như phát biểu của Ông Vũ Đình Hiển - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM tại buổi Lễ thả cá, ông đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ phổ biến kiến thức về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến với người dân. Đồng thời, bà con ngư dân không sử dụng xung điện, hóa chất, công cụ đánh bắt thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định trong khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đề nghị các đơn vị, cá nhân tiếp tục hỗ trợ, đóng góp cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố để các chương trình với mục đích chung như thế này ngày càng lớn mạnh, phát triển sâu rộng trong nhân dân, trở thành chương trình được xã hội hóa của Thành phố.

Ông Vũ Đình Hiển - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM phát biểu tại buổi Lễ thả cá

Theo ông Hiển, để cá giống của các đợt thả tái tạo nguồn lợi thủy sản phát triển tốt, Chi cục Thủy sản TP.HCM sẽ phối hợp với phòng Kinh tế huyện Củ Chi, UBND xã Phú Mỹ Hưng thực hiện các đợt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, đánh bắt thủy sản.

Đây là hoạt động thường niên, nhằm mục đích bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời, tuyên truyền các quy định của pháp luật và vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản trong đời sống hằng ngày, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cho cộng đồng xã hội.

Minh Hiếu