Đoàn công tác đã đến tham quan mô hình thuộc dự án: "Xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc" do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai.

Được biết, dự án với mục tiêu xây dựng 120 ha mô hình trồng thâm canh cỏ đạt năng suất cao, chất lượng tốt đã lựa chọn giống cỏ voi xanh Đài Loan và cỏ VA06 để triển khai. Năm 2021, dự án đã xây dựng được 04 mô hình trồng cỏ thâm canh với 45 ha tại Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang. Riêng tại Hà Giang, tính đến ngày 15/11/2021 đã xây dựng được 01 mô hình trồng thâm canh cỏ với quy mô 12 ha do 30 hộ tham gia thực hiện tại xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê. Năng suất cỏ đạt 204,1tấn/ha/4 lứa (dự kiến đến hết năm sẽ thu thêm 1 lứa). Song song đó, dự án cũng triển khai 01 mô hình chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua qui mô 20 tấn cỏ với số hộ tham gia là 12 hộ. Qua thực hiện dự án đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh và chế biến cỏ cho người tham gia xây dựng mô hình và 40 người ngoài mô hình. In ấn, cấp 300 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng.

Đoàn tham quan mô hình trồng cỏ voi Đài Loan tại huyện Bắc Mê

 

Đoàn công tác đã được nghe báo cáo kết quả sơ bộ, cũng như những đánh giá bước đầu về hiệu quả của mô hình của mô hình. Theo đó, mô hình sử dụng giống cỏ mới và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cỏ. Năng suất đạt được cao hơn năng suất các vườn cỏ của người dân trong vùng > 30%. Mô hình bảo quản chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua của dự án đảm bảo chất lượng cỏ, giảm hao hụt dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản lên 4 - 5 tháng.  Kết hợp việc rải vụ thu cắt cỏ vào cuối năm và ủ chua cỏ đã giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô lạnh. Các mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ của dự án góp phần phát triển chăn nuôi trâu bò của vùng theo hướng tập trung, thay đổi tập quán thả rông của người dân vùng cao, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, mô hình trồng thâm canh cỏ làm tăng độ che phủ, giảm xói mòn rửa trôi đất.

Trao đổi với các đơn vị truyền thông, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, qua quá trình tham quan mô hình thâm canh cỏ cho đại gia súc tại tỉnh Hà Giang cho thấy các giải pháp công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã được tích hợp thể hiện rõ trong mô hình này. Từ khâu đưa giống cỏ Đài Loan mới phù hợp với vùng sinh thái đến khâu ủ chua dữ trữ thức ăn, quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn trâu bò. Mùa đông sắp đến, đối với các tỉnh vùng miền núi phía Bắc để bảo vệ đàn gia súc qua đông, yếu tố đầu tiên phải có đủ lượng thức ăn để đàn gia súc qua đông, cần dữ trữ đủ thức ăn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Mô hình này tương đối hoàn thiện để giải quyết bài toán đó. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn làm thế nào nhân rộng mô hình, đề nghị chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn nữa kết quả của mô hình này, đặc biệt  tổ chức ngay các lớp đào tạo huấn luyện, đưa bà nông dân đến tham quan học tập tại mô hình, qua đó giúp bà con biết cách trồng cỏ, thu hoạch và ủ chua bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Mô hình bảo quản chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua của dự án đã giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô lạnh

 

Trong chương trình, đoàn đã đến thăm mô hình nuôi vỗ béo bò tại huyện Mèo Vạc. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, giai đoạn 2013 - 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn với quy mô 300 con bò nuôi vỗ béo/ 3 năm. Dự án đã giúp thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi hiểu rõ hơn trong việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tránh được hiện tượng bò già yếu đổ ngã, chết do đói rét trong mùa đông. Kết quả bò tăng trọng tốt giúp thu nhập của các hộ dân tăng lên rõ rệt, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Thành công này mang lại ý nghĩa rất lớn cho bà con vùng cao để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tạo ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo.

GĐ TTKNQG cùng đoàn tham quan mô hình nuôi vỗ béo bò tại Mèo Vạc

 

Qua tham quan mô hình vỗ béo bò tại huyện Mèo Vạc, trao đổi trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, có những sản phẩm, những mô hình khuyến nông đã trở thành nghề của bà con nông dân. Câu chuyện chăn nuôi bò của bà con đồng bào Mông trong nhiều năm qua rất nhiều thông tin như bò gày, bò yếu, bò bị chết đói, chết rét giờ đã không còn nữa. Những bà con đã được tham quan, học tập mô hình nuôi vỗ béo bò, đã được thực hiện dự án Khuyến nông trung ương và giờ mạnh dạn áp dụng vào chăn nuôi của gia đình mình thì bò hoàn toàn khỏe mạnh. Các siêu thị Hà Nội đã có thịt bò Mông chất lượng cao.

Tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, ông Lê Quốc Thanh đã bàn giao những mô hình khuyến nông của Trung ương trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để tiếp tục nhân rộng lan tỏa mô hình đó tại địa phương. Ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh hơn nữa về bò của người Mông như một làng nghề, như một chuỗi giá trị rất rõ ràng.

Đoàn công tác làm việc với Sở NN&PTNT Hà Giang

 

Trong chương trình, đoàn cũng đã đến thăm mô hình nuôi ong tại xã Tả Lủng (Mèo Vạc); thăm mô hình chăn nuôi lợn sinh sản bản địa - Lũng Pù tại xã Pả Vi (Mèo Vạc) là kết quả nhân rộng từ mô hình khuyến nông chăn nuôi lơn bản địa năm 2019-2020.

Đoàn thăm mô hình chăn nuôi lợn sinh sản bản địa - Lũng Pù tại xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc)

 

Đoàn thăm mô hình nuôi ong tại xã Tả Lủng (huyện Mèo Vạc)

BBT

Xem thêm tin, bài về hoạt động của đoàn công tác tại báo Dân Việtbáo Nông nghiệp Việt Nam

Xem thêm về hiệu quả các mô hình khuyến nông tại Hà Giang trên báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Thông tấn