Tham dự hội nghị có đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp &PTNT; đại biểu đến từ 8 tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang; đại diện tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, một số doanh nghiệp tham gia sản xuất, thu mua, chế biến ca cao tại Việt Nam; đại diện của một số trường Đại học trong vùng…

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về tình hình sản xuất ca cao năm 2016 và định hướng kế hoạch năm 2017; kết quả của Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam năm 2016 và kế hoạch hành động năm 2017; kết quả hội nghị ACC năm 2016 tại Indonesia; Kết quả hoạt động của Tổ chức Helvetas về chương trình phát triển ca cao tại Việt Nam;…

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc duy trì và đẩy mạnh chất lượng ca cao hiện tại; đánh giá tính cạnh tranh của cây ca cao với các loại cây trồng xen khác; tái cơ cấu Ban điều phối ca cao đơn giản và hiệu quả hơn (như Ban Hợp tác ca cao Việt Nam) để khích lệ, thu hút sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước…

Được biết, hiện nay, diện tích ca cao của cả nước đã giảm, chỉ còn khoảng 10.000 ha (năm 2012 là 25.700 ha). Nguyên nhân của việc giảm diện tích này là do nhiều yếu tố tác động như: giá ca cao biến động; việc xác định vùng sản xuất và đối tượng trồng ca cao lúc đầu chưa tốt; thiếu lao động nông nghiệp ở vùng nông thôn; nhà chế biến, xuất khẩu chưa quan tâm nhiều trong xây dựng mối liên kết với nông dân; biến đổi khí hậu, nắng hạn, thiếu nước, xâm nhập phèn, mặn…

Mặc dù diện tích ca cao giảm, nhưng sản lượng ca cao thu được tăng. Sản lượng hạt ca cao khô lên men năm 2012 chỉ đạt 5.000 tấn, nay tăng lên là 7.372 tấn. Sản lượng tăng chủ yếu là do kỹ thuật canh tác, lên men ngày càng tốt, và tuổi cây ca cao tăng.

Việt phát triển ca cao với sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân tại một số địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk mở ra hướng phát triển bền vững cho ca cao. Trong đó đi đầu trong liên kết là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Một số công ty khác như Công ty cổ phần Bamboo Capital liên kết với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức xây dựng dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao với 1.000 ha ca cao trồng xen canh trong vườn điều tại xã An Viễn, Trảng Bom, Đồng Nai. Công ty TNHH Nguyên Lộc, Công ty TNHH DV-TM ca cao Thành Đạt, Công ty TNHH Cao Nguyên Xanh đang xây dựng cánh đồng lớn sản xuất ca cao. Ngoài ra, tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng rất quan tâm trong việc xây dựng vùng nguyên liệu ca cao tại Việt Nam.

Kết luận hội nghị TS. Trần Văn Khởi nhấn mạnh một số nội dung sau: Cần xác định ca cao là cây trồng đặc biệt, thị trường rất rộng, nên kết hợp trồng ca cao với hướng du lịch sinh thái, đa dạng hoá tăng thu nhập của nông dân; Cần xây dựng và tuyên truyền rộng rãi những mô hình ca cao năng suất cao, hiệu quả như ở tỉnh Bến Tre, hay một số doanh nghiệp đã làm.

Đối với định hướng phát triển ca cao trong thời gian tới cần chú ý công tác quản lý giống, hướng dẫn kỹ thuật tốt, tổ chức sản xuất đảm bảo chất lượng; Đẩy mạnh liên kết sản xuất doanh nghiệp với vùng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động TPP đối với ca cao như cây cà phê, xây dựng thương hiệu ca cao.

Đối với hoạt động của Ban điều phối ca cao (VCC), sẽ tổ chức lại VCC theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả; đánh giá kỹ thuật đang áp dụng ở những vùng có ca cao để tổng kết rút kinh nghiệm; tập hợp doanh nghiệp liên quan đến thu mua, sản xuất, chế biến ca cao kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại những hội nghị trao đổi, gặp gỡ, bàn bạc thông tin phát triển cây ca cao. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về ca cao. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng chuỗi liên kết sản xuất ca cao./.

Tại hội nghị, TS. Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc TTKNQG, nguyên Trưởng Ban Điều phối Phát triển ca cao Việt Nam đã chúc mừng người kế nhiệm là TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban Điều phối ca cao sau khi công bố quyết định của Bộ trưởng về việc bổ nhiệm mới này.

TS. Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc TTKNQG, nguyên Trưởng Ban Điều phối ca cao đến dự và chúc mừng người kế nhiệm 

 

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia