30 học viên là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông đến từ 4 tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp tham dự tập huấn.

Phần lý thuyết, học viên được học các nội dung chính như: Đặc điểm học tập của người lớn tuổi khi tham dự tập huấn; Kỹ năng thuyết trình; Phương pháp lập kế hoạch bài giảng; Phương pháp giảng dạy thực hành FFS; Các danh mục, văn bản hướng dẫn về nuôi cá tra theo VietGAP; Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam; Hướng dẫn thực hành nuôi cá tra tốt trong ao.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Ngoài ra, học viên còn có cơ hội trực tiếp tìm hiểu về mô hình nuôi cá tra theo VietGAP tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của chủ mô hình cùng với giảng viên, các học viên đã phần nào thấy được hiệu quả của mô hình nuôi cá tra theo VietGAP mang lại. Đó là nhờ việc ghi chép, cập nhật sổ sách, cho ăn khoa học đầy đủ, nên quản lý được lượng thức ăn và thuốc hóa chất, tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào; giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; rác thải được thu gom và xử lý đúng cách, bảo vệ tốt môi trường nuôi, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm, cung cấp sản phẩm sạch, uy tín đến với tay người tiêu dùng.

Học viên thực hành cho cá tra ăn

Kết thúc lớp học, qua bài kiểm tra đánh giá chất lượng và phần thực hành của các nhóm, cho thấy 100% học viên đều hiểu và nắm bắt được khá đầy đủ về quy trình nuôi cá tra theo VietGAP. Với những kiến thức đó cộng thêm kỹ năng về phương pháp khuyến nông đã được học sẽ giúp cho người cán bộ tự tin hơn trong công tác khuyến nông đang triển khai tại địa phương mình./.

Học viên thực hành, thảo luận theo nhóm

                                                  Nguyễn Quảng Bình

Trung tâm Tập huấn và CGCN NN vùng ĐBSCL