Hội thảo đã thu hút sự tham gia của trên 60 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và một số nhà hoạch định chính sách đến từ 7 quốc gia ở Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippin, Indonesia). Đại biểu là lãnh đạo, cán bộ của các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, tổ chức phát triển, các tổ chức của chính phủ, phi chính phủ trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước.

Trong diễn văn khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Hội thảo tạo cơ hội giúp tối đa hóa sự đóng góp của ngành chăn nuôi vào các chương trình phát triển trong khu vực. Hội thảo sẽ giúp chính phủ và các bên liên quan tập trung vào những ưu tiên quan trọng nhất cho sự phát triển của ngành chăn nuôi. Thông qua hội thảo này, chúng ta sẽ phát hiện ra những cơ hội mới để thúc đẩy hoạt động hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia Đông Nam Á nhằm giải quyết các cơ hội và thách thức chung."

Ông Jimmy Smith, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) cho biết: "Chăn nuôi giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm thu nhập, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và sức khoẻ cho con người. Việc cải thiện các hệ thống chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp có thể giúp thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra. Hoạt động nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ chính sách có thể giúp chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ của khu vực chuyển đổi thành các hệ thống năng động, hiệu quả, và thích ứng tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ và thanh niên”.

Tại Hội thảo, đại diện các quốc gia trình bày báo cáo về chăn nuôi của đất nước mình, chủ yếu tập trung giới thiệu về tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia; tỷ trọng của chăn nuôi trong ngành nông nghiệp; phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa, thương mại hóa, các bệnh truyền lây từ động vật sang người, giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi...

Từ năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững. Đây là điều khoản tham chiếu cho tất cả các bên liên quan để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trên thế giới.

Các đại biểu thảo luận về những đóng góp của chăn nuôi cho sự phát triển của mỗi quốc gia và của toàn khu vực, trong đó có vai trò của nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi. Hội thảo đã xác định được tiềm năng của ngành chăn nuôi phấn đấu đạt 17 mục tiêu của Liên Hợp Quốc để phát triển bền vững. Các điểm sáng, điểm nóng và các vấn đề mới nổi trong ngành chăn nuôi đã được đưa ra trong các hội thảo. Đánh giá thực trạng và các giải pháp chăn nuôi hướng tới sự thịnh vượng bền vững và công bằng hơn trong khu vực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

Các nước Đông Nam Á đã có nhiều động thái, từ tiếp nhận chương trình nghị sự 2030 đến triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia. Một số quốc gia đã tiến hành lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch, chính sách và luật pháp hiện hành, một số quốc gia khác đang thiết lập hoặc tăng cường các cơ quan điều phối hoặc lập sơ đồ trách nhiệm về thể chế, chuẩn bị cho việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Bàn về cách thức để tăng cường những đóng góp hiện tại và tiềm năng của ngành chăn nuôi đối với sinh kế bền vững và sự thịnh vượng của 100 triệu người chăn nuôi trong khu vực, các chuyên gia thảo luận sôi nổi theo 8 chủ đề chính như sau:

- Xóa nghèo: Tăng cường dịch vụ thú y để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, hạn chế thất thoát; hỗ trợ cho vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; triển khai các dự án hỗ trợ chăn nuôi quy mô nhỏ ở nông thôn…

- Không đói: Đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua việc cung cấp cho các hộ chăn nuôi kỹ thuật quản lý chăn nuôi áp dụng bền vững trong bối cảnh khu vực; bảo vệ người tiêu dùng; triển khai chương trình sữa học đường…

- Sức khỏe và chất lượng cuộc sống: Hoạt động khuyến nông, giúp người chăn nuôi ngăn chặn và kiểm soát bệnh truyền lây giữa động vật sang người, đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…

- Bình đẳng giới: Tăng cường tập trung chương trình chăn nuôi nông hộ và kiểm soát dịch bệnh; vai trò của phụ nữ trong chuỗi chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi.

- Tăng trưởng kinh tế: Thúc đẩy thương mại bền vững về vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi trong nước và quốc tế; thu thập số liệu cơ sở, tiến hành nghiên cứu và giám sát cần thiết về chính sách tài chính quốc gia trong chăn nuôi.

- Tương quan giữa người tiêu dùng và sản xuất: Thúc đẩy thương mại bền vững về vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi trong nước và quốc tế thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, bảo tồn giống bản địa, quản lý giống tự nhiên, quản lý thức ăn, nước uống, bãi chăn thả…

- Khí hậu: Tăng cường dịch vụ thú y để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, hạn chế thất thoát; hạn chế ô nhiễm môi trường; chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính…

- Đất đai: Quy hoạch đất đai trong chăn nuôi, đảm bảo vật nuôi hạnh phúc, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Từ các ý kiến thảo luận của các đại biểu, ban thư ký phân tích, tổng hợp, xác định những lợi thế, cơ hội phát triển chăn nuôi của từng nước, đồng thời lựa chọn những giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành chăn nuôi hiện tại và tương lai. Là cơ sở giúp các chính phủ tập trung vào những ưu tiên trọng điểm nhằm phát triển chăn nuôi của các nước trong khu vực.

Liên Hương