Trong khuôn khổ Dự án Legato “Kỹ thuật thâm canh và công nghệ sinh thái- Công cụ đánh giá rủi ro và cơ hội của hệ thống sản xuất lúa nước” của Đức và các quốc gia Đông Nam Á khác, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng với Viện Chính sách và Quản lý- Trường đại học KHXH&NV – đại diện ban điều phối Dự án đã thiết lập “Mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa nước” triển khai tại 3 tỉnh  Hải Dương, Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Trước đó mô hình đã rất thành công tại tỉnh Tiền Giang với những hình ảnh thân thiện và đẹp mắt: ruộng lúa, bờ hoa, sau đó đã được nhân rộng sang các tỉnh lân cận.

          Ngày 09 và 10/02/2015, tại xã Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương, Dự án đã tổ chức tập huấn cho nông dân về cách thiết lập mô hình ruộng lúa, bờ hoa sau nhiều cuộc khảo sát, thực địa, phỏng vấn nông dân, lãnh đạo địa phương, các sở ban ngành liên quan về đánh giá hiệu quả sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái xung quanh khu vực đồng ruộng. Với mục đích giữ năng suất lúa trong khi giảm sử dụng hóa chất độc hại bằng việc làm trồng các loài hoa trên bờ ruộng lúa. Đây được coi là một công nghệ sinh thái trong nông nghiệp làm cho môi trường trong sạch, thực phẩm sạch, các sinh vật tự nhiên có cơ hội phát triển, giảm chi phí sản xuất và sản phẩm có thể tiêu thụ với giá cao… Hướng giải quyết là tăng thiên địch của sâu hại, tăng các loài côn trùng thụ phấn bằng việc trồng hoa trên bờ ruộng.

       Trong đợt tập huấn này đặc biệt có sự tham gia giảng dạy của chuyên gia người Đức- TS Joachim H. Spangenberg- cán bộ nghiên cứu Đức đại diện ban điều phối Dự án Legato và những trao đổi kinh nghiệm thực tế của 2 chuyên gia đến từ tỉnh Tiền Giang nước ta. Tại đợt tập huấn các chuyên gia trong và ngoài nước cùng với cán bộ, nông dân địa phương đã thảo luận rất sôi nổi để cùng tìm hiểu về mục đích của mô hình cũng như đưa ra cách làm cụ thể trong tương lai tại đồng ruộng nơi đây như lựa chọn vùng sản xuất, chọn lựa và bố trí trồng các loài hoa vốn có của vùng sao cho đa dạng để duy trì và phát triển lượng thiên địch…  

Lớp tập huấn được triển khai tại Hải Dương
Cuối đợt tập huấn cán bộ Dự án cùng nông dân còn tiến hành khảo sát đồng ruộng của địa phương để liên hệ cụ thể và tìm ra cách làm như thế nào cho thích hợp, hiệu quả. Qua  học tập và trao đổi cho thấy, việc trồng hoa trên bờ ruộng lúa là một lợi ích lớn trong công tác bảo vệ thực vật đồng thời, sẽ giúp cho hệ sinh thái đồng ruộng được bền vững hơn, môi trường và nông sản được trong sạch hơn… Cán bộ và nông dân sau khóa tập huấn không chỉ được mở rộng kiến thức, cập nhật được nhiều thông tin mà còn hưởng ứng Dự án một cách tích cực cũng như đặt ra những nhiệm vụ cho mình trong thời gian tới khi thực hiện mô hình ngoài đồng ruộng.

Hi vọng trong tương  lai không xa, Dự án thành công và có thể nhân rộng ra các vùng sản xuất lúa khác vì nó là một công nghệ sinh thái nông nghiệp có lợi cho nông dân và cộng đồng.

                                                                                         Trần Thị Liên

                                                                      Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương