Hội thảo diễn ra ngày 22/1/2015, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình tổ chức. TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và nông dân các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, cùng đông đảo nông dân sản xuất khoai tây của tỉnh Thái Bình. 

Toàn cảnh Hội thảo

Trên thực tế, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích trồng khoai tây là chất lượng giống. Giống khoai tây thường bị thoái hóa theo thời gian do nhiễm bệnh virus (xoăn lá) hoặc một số bệnh do vi khuẩn gây ra, kéo theo sự giảm sút về năng suất. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng giống lớn với giá cao để thay thế những giống thoái hóa.

Những khó khăn này cũng không phải là ngoại lệ ở Thái Bình khi mà diện tích sử dụng giống xác nhận chỉ chiếm chưa đến 30%, phần lớn giống do người dân tự chọn và để từ vụ nọ sang vụ kia. Thái Bình cũng chưa có cơ sở sản xuất khoai tây đầu dòng, lượng nguyên chủng chủ yếu được nhập từ nước ngoài.

Được sự hỗ trợ của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKNKN) Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nghiễm, Trưởng phòng Kỹ thuật rau hoa quả - công nghệ cao, Trung tâm KNKNKN Thái Bình cho biết, mục tiêu của mô hình là tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo.  Theo tính toán sơ bộ, giá thành sản xuất 1 kg giống khoai tây nguyên chủng 15.330 đồng/kg (trong khi giá giống nhập nội là 24.000 – 25.000 đồng/kg), năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào, có nơi lên đến 680 kg/sào. Củ giống khoai siêu nguyên chủng có khả năng chống chịu bệnh tốt hơn giống nhập nội, đặc biệt là bệnh mốc sương, héo xanh, virus,….Với giá bán trên thị trường hiện tại là 9.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta khoai tây có thể đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, thì lãi thu được (55 - 60 triệu đồng/ha) cao hơn sản xuất hai vụ lúa như hiện nay.

Các kỹ thuật trong phòng nuôi cấy mô bao gồm: Nhân nhanh cây giống khoai tây invitro (trong ống nghiệm) sạch bệnh và tạo củ microtuber trong ống nghiệm, tất cả đều đảm bảo trong môi trường vô trùng, khi cây khoai tây invitro có 3 – 5 lá và bộ rễ phát triển hoàn chỉnh thì có thể chuyển ra vườn ươm (khí canh hoặc giá thể). Sau đó khoảng 10 ngày thì có thể tiến hành nhân nhanh cây giống khoai tây bằng phương pháp cắt ngọn. Ngọn cắt tiếp tục được giâm trong hệ thống khí canh, sau 3 – 4 ngày ra rễ, sau 15 ngày khi đạt tiêu chuẩn cao 10 – 15 cm, có 5 – 7 lá, bộ rễ khỏe mạnh thì có thể đem cây con trồng trên hệ thống khí canh để sản xuất củ giống.

Nông dân đặt câu hỏi về mua giống khoai tây sạch bệnh.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu được tham quan quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và sản xuất khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh trong nhà lưới, mô hình nhân giống khoai tây bằng củ bi và bằng cây mạ tại xã Trọng Quan - huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Qua tham quan tìm hiểu thực tế, bà con nông dân đã mạnh dạn chia sẻ những nguyện vọng, thắc mắc và đề xuất nhiều ý kiến trong quá trình tham gia sản xuất khoai tây tại địa phương. Các ý kiến được chia sẻ và giải đáp chủ yếu tập trung các nội dung về giống, kỹ thuật trồng, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Các đại biểu thăm quan mô hình sản xuất khoai tây từ nguồn giống củ bi sạch bệnh ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Huy Thông nhấn mạnh, với công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh đã được ứng dụng thành công như ở Thái Bình, đề nghị Trung tâm KNKNKN Thái Bình cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ này trên quy mô diện rộng, nhằm cung cấp nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng cho sản xuất khoai tây đại trà. Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần rà soát lại diện tích, quy hoạch lại loại cây trồng để đưa khoai tây vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất khoai tây vụ Đông. Để ổn định giá, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm khoai tây sau thu hoạch, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, quy hoạch, các nhà doanh nghiệp để đảm bảo nông dân sản xuất ổn định, bền vững.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, tiềm năng sản xuất khoai tây của Thái Bình còn rất lớn, với hơn 20.000 ha đất có thể trồng giống cây này. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình.

 Xuân Minh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia