Tham gia lớp tập huấn có hơn 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông của 7 tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Bạc Liêu, Tiền Giang và Sóc Trăng.

Ông Văng Đắt Phuông – Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu tại lớp tập huấn

Công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản từ lâu được xem như “máy điều hòa” chung của các đối tượng thủy sản, đặc biệt là đối với con tôm. Áp dụng công nghệ sinh học bằng việc sử dụng công nghệ vi sinh vật để phân giải thức ăn thừa, xác chết động thực vật, khí độc trong ao nuôi là rất cần thiết và là khâu không thể thiếu trong nuôi tôm VietGAP.

Tại lớp tập huấn, học viên được nghe TS. Nguyễn Tấn Sỹ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản - Trường Đại học Nha Trang trao đổi về phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh hiệu quả, phương pháp phòng trị một số bệnh tôm bằng chế phẩm vi sinh, sự điều chỉnh quá trình phát triển của vi tảo trong ao nuôi…

Ngoài trao đổi thảo luận trên lớp, học viên còn được tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tiên tiến theo VietGAP tại Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình tham quan mô hình, học viên được giảng viên giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, từ đó giúp học viên nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm.

 Nguyễn Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia