Thực hiện hướng đi trên, những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với việc chứng nhận quy trình đạt các tiêu chuẩn của thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), tiêu chuẩn của UTZ và tiêu chuẩn đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất,…  đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh. Điển hình năm 2014, các mô hình sản xuất: cây ngô nếp, cây xoài Tứ Quý, cây bưởi Năm roi và cây ca cao đã được tư vấn và lần lượt được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và UTZ trong sản xuất. Cụ thể:

- Mô hình Cánh đồng mẫu sản xuất cây ngô nếp thuộc tổ hợp tác sản xuất rau, màu xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn với diện tích 10 ha/14 hộ đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, màu. Mô hình này cũng cho kết quả tốt với năng suất bình quân 12 tấn/ha, lợi nhuận 38-42 triệu/ha, cao hơn ngoài mô hình 1-1,2 tấn/ha.

Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất ngô nếp trên đất lúa

- Mô hình sản xuất xoài Tứ quý của Tổ hợp tác xoài Tứ quý Phú Thành, xã Tân Phú, huyện Tam Bình được chứng nhận VietGAP với diện tích 5,7 ha/8 hộ. Nông dân cải tạo, trồng và chăm sóc xoài Tứ quý theo quy trình VietGAP giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo năng suất và gia tăng chất lượng sản phẩm, từ đây sẽ hình thành các vùng sản xuất xoài Tứ quý theo hướng an toàn và tập trung, thu hút khách hàng đến thu mua với giá cao và ổn định. Với 1 ha xoài Tứ quý năm thứ 4 cho năng suất bình quân 17 tấn, thu lợi nhuận 145,4 triệu đồng/ha/năm.

- Mô hình sản xuất bưởi Năm roi của Tổ hợp tác sản xuất bưởi Năm roi ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa được chứng nhận GlobalGAP cho diện tích 20,7 ha/25 hộ. Trồng bưởi Năm roi theo tiêu chuẩn GAP đã giảm được chi phí đầu tư, đảm bảo năng suất và gia tăng chất lượng sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất an toàn tập trung, thu hút khách hàng đến thu mua với giá cao và ổn định. Với chi phí sản xuất cho 1 ha bưởi Năm roi giai đoạn kinh doanh là 68,65 triệu đồng/ha/năm, tổng thu 240 triệu đồng/ha/năm, thu lợi nhuận 171,35 triệu đồng/ha/năm.

- Chứng nhận UTZ cho mô hình canh tác ca cao của Tổ hợp tác ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn với diện tích 10 ha/14 hộ. Cây đang giai đoạn  ≥ 4 năm tuổi cho năng suất 15 - 30 kg đem đến lợi nhuận khoảng 20 - 50 triệu đồng/ha.

Lễ trao giấy chứng nhận sản phẩm nông sản an toàn chất lượng

Các mô hình liên kết chứng nhận này đã có tác động rất lớn đối với người dân trong vùng. Đầu tiên, thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất tại địa phương, người dân bước đầu đã có sự liên kết trong sản xuất. Việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong chứng nhận như: tham gia các cuộc tập huấn về an toàn lao động, ghi chép sổ tay nhật ký đồng ruộng, sử dụng đồ bảo hộ lao động khi phun thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng và sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn (điểm pha thuốc, hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật,...), hiểu biết được các yếu tố cơ bản về mục đích, ý nghĩa các yêu cầu trong sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, UTZ,…). Nông dân canh tác trong mô hình có sự liên kết trong các khâu: gieo sạ đồng loạt; quản lý nước tốt không bị ngập úng; sử dụng phân hữu cơ và bón phân hóa học cân đối về hàm lượng, số lượng, bón đúng lúc, đúng cách theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng của cây; sử dụng phân sinh học nhằm tăng cường sự phát triển của bộ rễ - thân - lá đồng thời giúp cải tạo đất; quản lý cỏ dại và sâu bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc theo 4 đúng, có thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch, tuân thủ các yêu cầu trong canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn,…  đã đem đến cho người nông dân một thói quen mới trong sản xuất mang tính chất tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu thụ. Thông qua mô hình cũng là nơi để nông dân địa phương đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, qua đó tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.      

Thành công của các mô hình, bên cạnh hiệu quả nối tiếp được mang lại từ năng suất, chất lượng tăng của sản phẩm an toàn được tạo ra; còn có sự linh hoạt của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long trong việc mời gọi doanh nghiệp cùng phối hợp tham gia thực hiện việc chứng nhận. Điển hình như phối hợp với Công ty Cargill Việt Nam mở các lớp TOT về kỹ thuật trồng và chăm sóc ca cao, trong đó đi sâu về kỹ thuật trồng và chăm sóc theo hướng an toàn nhằm tạo các điều kiện thuận lợi cho việc chứng nhận UTZ. Hay tranh thủ được sự hỗ trợ tích cực của Công ty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa trong thực hiện chứng nhận GlobalGAP trên bưởi Năm roi. Đặc biệt, sau khi đã hoàn thiện việc chứng nhận (UTZ, GLobalGAP), Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam và Công ty Cargill đã tổ chức thu mua ca cao tại vườn với giá dao động từ 4.800 - 5.700 đồng/kg; Công ty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa tiến hành liên kết với các đối tác có năng lực xuất khẩu bưởi Năm roi ra thị trường trong và ngoài nước và đã thu mua sản phẩm của nông dân tham gia chương trình GlobalGAP theo giá thị trường và đồng thời còn hỗ trợ 1.000.000 đồng/tấn cho bưởi loại 1 (xuất khẩu).

Hiện nay, công tác vận động nông dân thực hiện các chương trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, UTZ,...) còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố khách quan đem lại như: ghi chép, tác nghiệp chăm sóc theo quy trình so với tập quán sản xuất cũ, còn bất cập trong quá trình thực hiện để hoàn thành các tiêu chí do chương trình quy định như: xử lý bao bì, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật cần phải có nơi, phương tiện xử lý chuyên biệt. Nhưng có thể khẳng định rằng các chương trình này đã tạo điều kiện cho nông dân sản xuất theo hướng tập trung, có tổ chức, có kế hoạch, đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, góp phần xây dựng nên các vùng nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các  sản phẩm an toàn đáp ứng mục tiêu của Đề án số 03/ĐA-TU của Tỉnh Ủy Vĩnh Long về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014 – 2020”.

Trương Vĩnh Yên

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long