Trang trại Aquapesca ở Mozambique, đông nam châu Phi, đang tiến hành sản xuất tôm sú chất lượng cao. Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vi-rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) trong năm 2011, Aquapesca và một nhà sinh học người Pháp đã bắt đầu một dự án nghiên cứu mang tên FAMA để kiểm soát các tác nhân gây bệnh.

Sau ba năm nghiên cứu, các kết quả đã chứng minh khả năng tăng cường miễn dịch đối với bệnh đốm trắng cho tôm - thêm một phương tiện kiểm soát bệnh tiềm năng mới.

Tăng cường miễn dịch

Hiện nay, các trại giống thường tập trung vào việc sử dụng các biện pháp an toàn sinh học và chọn giống bố mẹ sạch bệnh. Tuy nhiên, gần đây, kết quả thu được là rất thú vị với các chủng kháng thuốc được lựa chọn thông qua thuần hóa.

Ý tưởng FAMA hiện nay là kích hoạt hệ thống miễn dịch bẩm sinh của hậu ấu trùng tôm (postlarvae) bằng cách áp dụng nghiêm ngặt các thông số của nước trong quá trình điều trị, cường độ và thời gian, với sự hỗ trợ thứ cấp cảu chất kích thích miễn dịch (immunostimalants).

Thực nghiệm chính: cấy nhiễm có kiểm soát, điều trị

Thực nghiệm chính đầu tiên tạo lập các khả năng lây nhiễm cho tôm hậu ấu trùng một cách có kiểm soát và chứng minh hiệu quả của việc áp dụng điều trị. Một số bể nuôi ấu trùng, mỗi bể chứa 30.000 hậu ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon postlarvae) từ cùng một lô, được tiêm WSSV, và áp dụng phương pháp điều trị mới. Một số bể nuôi tôm hậu ấu trùng khác không áp dụng biện pháp điều trị cũng được tiêm WSSV cùng lúc.

17 ngày sau khi tiêm WSSV, tôm trong bể có áp dụng biện pháp điều trị bệnh cho thấy, tỷ lệ sống trên 80%, trong khi các bể nuôi còn lại có tỉ lệ sống 0%. Tỷ lệ sống 0% này là không đáng ngạc nhiên, chỉ ra rằng Mozambique WSSV là đặc biệt nguy hiểm.

Thực nghiệm thử thách sức đề kháng

Ba mươi ngày sau khi tiêm WSSV lần đầu, hậu ấu trùng tôm đã qua điều trị được tiêm WSSV một lần nữa bằng cùng phương pháp đã áp dụng trong thực nghiệm chính. Đồng thời, một bể nuôi khác từ cùng lô sản xuất hậu ấu trùng tôm ban đầu chưa bao giờ tiếp xúc với WSSV cũng được cấy nhiễm và không sử dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào.

Nhóm hậu ấu trùng đã được điều trị sống sót sau đợt cấy nhiễm WSSV đầu tiên trong thực nghiệm chính cho thấy không có dấu hiệu lâm sàng nhiễm WSSV và không có hiện tượng chết sau 7 ngày. Trong khi đó, tôm trong bể nuôi không áp dụng biện pháp điều trị thì một lần nữa chết 100%.

Thực nghiệm cảm nhiễm thứ 2 này đã chứng minh hậu ấu trùng đã có sức đề kháng với WSSV.

Các triển vọng

Những kết quả đáng kinh ngạc này có thể được giải thích bởi quá trình kích thích hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm thông qua các thụ thể toll và protein hỗ trợ được tạo ra do sự có mặt của WSSV ở thời điểm điều trị ban đầu. Kết quả này dẫn đến việc giống như là hệ thống miễn dịch của tôm đã thu được một dạng ghi nhớ, ngăn chặn sự xâm nhập trở lại của mầm bệnh ở giai đoạn sau đối với hậu ấu trùng tôm/postlarvae đã được điều trị.

Các tác giả hiện đang nghiên cứu về các giả thuyết cho rằng hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm – và có lẽ là cả các động vật không xương sống khác – (?) có thể được kích hoạt để ghi nhớ các dấu hiệu của tác nhân gây bệnh với chức năng tương tự và giống như sự thích nghi xảy ra ở động vật có xương sống.

Các thành viên dự án FAMA tin tưởng rằng nếu những kết quả sơ bộ được xác nhận bởi các thực nghiệm mới thì đó có thể là một cuộc cách mạng to lớn trong việc kiểm soát không chỉ bệnh đốm trắng (WSSV), mà còn mọi loại tác nhân gây bệnh đối với nuôi tôm. Khả năng sản xuất tôm hậu ấu trùng/postlarvae kháng với một bệnh cụ thể có tiềm năng đem lại lợi ích cho toàn ngành công nghiệp nuôi tôm.

T.H 

(Nguồn: Global Aquaculture Advocate – Tháng 3-4/2015)