Gia đình chị Phạm Thị Thơi là một trong những hộ dân đầu tiên ở thôn Chể, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn đưa thuốc trừ sâu thảo dược vào chăm sóc vườn cây ăn quả có múi rộng gần 1 ha gồm các loại cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi Da xanh, bưởi ngọt của gia đình mình.

Chị Thơi cho biết, cách đây gần hai năm, gia đình chị cùng một số hộ trong thôn được một giáo sư chuyên ngành nông nghiệp trong Nam ra phổ biến cách làm thuốc trừ sâu thảo dược để áp dụng vào chăm sóc cây ăn quả ở địa phương. Nhận thấy việc sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược có nhiều ưu điểm nên vợ chồng chị Thơi đã quyết định áp dụng ngay vào chăm sóc vườn cam, bưởi nhà mình. Theo đó, gia đình chị đã mua nguyên liệu về ngâm ủ, tạo thuốc trừ sâu thảo dược rồi phun thuốc khảo nghiệm trên cây cam, bưởi. Kết quả, thuốc trừ sâu tự tạo đã “đánh” được hầu hết các loại sâu gây hại trên cây ăn quả có múi như: sâu vẽ bùa, sâu ăn lá, rầy chổng cánh, nhện đỏ… Vui mừng với kết quả đạt được, từ đó đến nay, gia đình chị Phơi đã sử dụng hoàn toàn thuốc trừ sâu thảo dược thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Theo chị Thơi, các nguyên liệu để làm thuốc trừ sâu thảo dược rất dễ mua gồm: ớt, gừng, tỏi, giềng, quế, mật nhân, mùi tạp, thuốc lào và rượu. Tất cả được giã ra, trộn lẫn với nhau và ngâm rượu 1 tháng là sử dụng được.

Ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật này là không độc hại cho người trồng và người sử dụng sản phẩm, giúp giảm chi phí sản xuất. Ngoài việc phòng trừ sâu gây hại trên cây ăn quả còn sử dụng tốt cho rau. Đặc biệt là khi sử dụng thuốc trừ sâu này không cần phải có thời gian cách li như thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đỡ nhiều mùi hóa chất gây ô nhiễm môi trường và không có vỏ bao bì nên không phải xử lý sau khi dùng.

Chị Phạm Thị Thơi sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược phòng trừ các đối tượng sâu gây hại trên vườn cam của gia đình

Gần đó, gia đình anh Lê Văn Thuyết cũng là hộ đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo dược cách đây gần 2 năm. Khi chúng tôi đến thăm vừa lúc anh Thuyết đang thực hiện việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam rộng gần 1 ha của gia đình mình.

Vừa cầm vòi phun thuốc thảo dược cho cây, anh Thuyết phấn khởi cho biết: “Giờ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đã khác trước rồi. Đây các anh thấy có mùi gì đâu. Trước kia để phun hết vườn cây ăn quả này thì mùi thuốc sâu hóa học nồng nặc, tối đến đau tức hết người phải mất mấy hôm mới lại sức nhưng từ khi thực hiện bằng thuốc trừ sâu thảo dược này thì dễ chịu hẳn, buổi sáng phun thuốc, tối về vẫn đi chơi được bình thường”.

Vẫn theo anh Thuyết, nguyên liệu sử dụng làm thuốc sâu thảo dược thì có nhiều những gia đình anh chỉ tập trung vào các loại chính và theo tỷ lệ: ớt (3 kg) + thuốc lào (0,3 kg) + quế (0,5 – 1 kg) + mật nhân (1 kg) + tỏi (2 kg) ngâm với 10 lít rượu. Thời gian ngâm khoảng 1 tháng. Liều lượng dùng pha 300 ml thuốc thảo dược với 200 lít nước để phun cho cây trồng.

Yêu cầu đối với người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng thảo dược này là phải kiên trì và không nên lạm dụng phun quá nhiều gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây cam, bưởi do nguyên liệu để dùng làm thuốc đều là loại có tính nóng. Từ khi sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược, rất ít khi anh Thuyết phải quay lại dùng thuốc trừ sâu hóa học. Chỉ khi nào thời tiết không thuận lợi, sâu phát triển thành dịch lớn thì mới phải dùng thuốc hóa học, sau đó lại trở lại dùng thuốc thảo dược. Không chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo dược, gia đình anh Thuyết còn thường xuyên nghiền đỗ tương sau đó ngâm làm phân bón tưới cho cây ăn quả, thay thế cho các loại phân hóa học. Nhờ thế vườn cam của gia đình anh luôn xanh tốt, rất ít sâu bệnh, đặc biệt là ít nhện đỏ hại cam.

Ông Đặng Quyết Thắng, phó Trưởng thôn Chể cho biết, thôn Chể là thôn lớn có 417 hộ ở trên diện tích khoảng 5 km2. Ngoài một phần đất ở còn lại phần lớn diện tích đất được bà con trồng cây ăn quả có múi. Năm 2016, tuy thời tiết không thuận lợi nhưng ước tính cả thôn thu về 70 tỷ đồng từ cam, bưởi. Trong đó 30 hộ có thu nhập 500 triệu đồng/năm. Nhận thấy việc sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược có nhiều ưu điểm như giảm chi phí khoảng 30% so với dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không độc hại và đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường nên từ mấy hộ dân ban đầu thực hiện năm ngoái, giờ đây đã phát triển lên 1/3 số hộ làm theo.

Huyện Lục Ngạn hiện có gần 22.700 cây ăn quả các loại, trong đó có 16.293 ha vải thiều, gần 5.300 ha cam, bưởi; 825 ha nhãn và 333 ha táo, ngoài ra còn một số loại cây trồng khác. Mỗi năm người dân trong huyện phải sử dụng một lượng thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Nếu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo dược thực sự có nhiều ưu điểm thì sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng người khách hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Thị Hà, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Lục Ngạn cho biết: Theo báo cáo của cán bộ khuyến nông xã thì việc một số hộ dân sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược trên địa bàn xã Phượng Sơn bước đầu nhận thấy có ưu điểm so với thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, về phía cơ quan chuyên môn trước khi tuyên truyền nhân ra diện rộng thì cần có sự nghiên cứu, khảo nghiệm đánh giá cụ thể trên từng loại cây trồng.

Đức Thọ

Đài Truyền thanh Lục Ngạn – Bắc Giang