1. Nguồn gốc

Giống CNC11 là giống lúa thuần do Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao - Viện Di Truyền Nông Nghiệp chọn tạo ra từ giống gốc BT7 bằng con đường gây đột biến thực nghiệm nhờ tia gamma (nguồn Co60 ), đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 235/QĐ-TT-CLT, ngày 20/6/2016.

Hiện nay, giống lúa CNC11 đã được triển khai trồng ở nhiều địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, …

Mô hình trồng lúa CNC 11 tại Ba Vì, vụ Xuân năm 2017

2. Đặc điểm sinh học chính

 Giống CNC11 có thời gian sinh trưởng: vụ Xuân 122 - 125 ngày, vụ Mùa 102 - 105 ngày; khả năng đẻ nhánh trung bình, dạng hình cây đứng gọn, chiều cao cây trung bình vụ Xuân là 95-100cm, vụ Mùa là 105-110cm;

Bông to, dài, hạt xếp sít, khối lượng 1000 hạt 22,5-23,0 gam, năng suất 55 - 60 tạ/ha ở vụ Mùa, 60 - 65 tạ/ha  ở vụ Xuân; Phẩm chất gạo trong, ít bạc bụng, chất lượng cơm mềm, dẻo, có mùi thơm,

Mức độ chống chịu  sâu, bệnh khá, nhất là bệnh đạo ôn, bạc lá. Giống có khả năng chịu rét, chống đổ khá, khả năng thâm canh cao, tính thích ứng rộng; thích hợp gieo cấy chân đất vàn, vàn cao, vàn trũng.


3. Thời vụ, mật độ và phân bón

a. Thời vụ:

Giống CNC11 có thể cấy cả 2 vụ Xuân và Mùa. Thời gian cấy áp dụng theo lịch thời vụ của từng địa phương.

- Thời vụ tại Vùng đồng bằng sông Hồng

+ Vụ xuân:

  • Xuân sớm: Gieo mạ 15- 25/11; cấy: 15 - 25/ 1
  • Xuân chính vụ: Gieo mạ 1/12- 20/12; cấy: 20/1- 20/ 2
  • Xuân muộn: gieo 5/2- 25/2
  • Gieo mạ trên nền đất cứng ở vụ xuân muộn: Gieo mạ 25/1- 10/2; cấy từ 10/2 trở đi. Tuổi mạ từ 10- 15 ngày, tương ứng 3- 4 lá.

+ Vụ mùa:

  • Mùa sớm: gieo 10/6- 20/6
  • Mùa trung: gieo 15/6- 25/6
  • Mùa muộn: Gieo mạ 25/ - 5/ 6; cấy: 25/6 - 5/7

b. Mật độ cấy: 40 - 45 khóm/m2, mỗi khóm cấy 2 - 3 dảnh, cấy nông tay.

c. Lượng phân bón (tính cho 1 sào Bắc Bộ, 360 m2):

+ Phân chuồng: 200 - 400 kg hoặc phân vi sinh: 50 - 70 kg

+ Đạm Urê: 6 - 8 kg; Supe Lân: 18 - 20 kg; Kali Clorua: 8 - 10 kg.

+ Nếu đất chua cần bón thêm 200-270kg vôi bột.

- Cách bón phân:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng/phân vi sinh + 40% Đạm + 100% Lân + 30% Kali.

+ Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% Đạm + 30% Kali.

+ Bón thúc lần 2 (bón đón đòng): 10% đạm + 40% Kali.

- Làm cỏ: Khi cây lúa bén rễ hồi xanh thì bắt đầu làm cỏ. Làm cỏ bằng tay, cào răng đẩy tay. (Cũng có thể dùng thuốc trừ cỏ).

- Trừ rong rêu: Những ruộng lúa có nhiều rong rêu thì nên trừ bằng cách tháo cạn nước 5-6 ngày kết hợp bón vôi bột (5-10 kg/ha), hoặc phun CuSO4 5-10% từ 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày, hoặc dùng MCPA dung dịch 0,4% phun 500 lít/ ha.

- Tưới nước

Duy trì mức nước < 5 cm vào thời kỳ sau cấy đến thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, > 20cm vào thời kỳ cuối đẻ nhánh để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Nếu lúa tốt, sinh trưởng mạnh thì nên rút nước phơi ruộng, hạn chế dinh dưỡng cũng có tác dụng làm giảm đẻ nhánh vô hiệu. Duy trì 5-10 cm nước vào thời kỳ làm đòng đến chín sữa. Sau thời kỳ chín sữa có thể rút nước, lúa tiếp tục vào chắc, thuận lợi cho khâu thu hoạch. Trường hợp lúa trên đất chua, mặn, phèn, phải duy trì mực nước 5-6 cm để hạn chế phèn, mặn.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Thăm đồng thường xuyên để theo dõi tình hình sâu bệnh và phòng trừ kịp thời sớm có hiệu quả.

- Với các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân các loại thuốc Karate 2.5 EC, Regent 800WG, Thianmectin 0.50 ME, Padan 95SP, Proclaim 1.9EC…

- Với cỏ dại: Sofit…

- Rầy nâu, chích hút thường dùng thuốc Actara 25WG…

- Đạo ôn dùng các loại thuốc Filia 525 SE, Fujione 40EC...

- Bệnh khô vằn dùng Validacin 5SC, Anvil 5SC…

5. Thu hoạch và bảo quản

a. Thu hoạch

CNC11 là giống lúa có độ chắc cao, thời gian trỗ - chín nhanh. Vì vậy, thời điểm thu hoạch nên sớm hơn. Không nên để lúa chín hoàn toàn khi gặp phải mưa bão.

b. Phơi sấy, cất trữ bảo quản

Phơi sấy: yêu cầu phơi khô để hạt có hàm lượng nước đạt < 13%, cũng như không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động.

Cất trữ bảo quản: quạt sạch, đóng vào bao để bảo quản trong kho chuyên dụng. Ở các hộ gia đình nên đựng vào bồ, thùng phi hoặc thùng tôn đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra ẩm mốc, mọt và chuột để xử lí kịp thời.

Đồng Thị Kim Cúc, Nguyễn Văn Quang, Lê Thanh Nhuận,

Phan Thanh Phương, Phạm Thị Mai, Mai Thi Hồng Hạnh.

Viện Di truyền Nông nghiệp, Đường Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội