Luồng thích hợp ở những nơi có độ dốc dưới 300; mọc tốt ở nơi đất còn tính chất đất rừng, đất dày, màu mỡ, nhất là đất ven đồi, ven suối, ven sông,..; phát triển trên đá mắc-ma kiềm, poocphia, ba-zan, độ sâu tầng đất  ³ 60 cm. đất ẩm thoát nước, pH = 3,8 - 7. Thảm thực bì là cây bụi cây gỗ. Không trồng luồng trên đất ngập úng, đất mặn, đất phèn, đất đã bị đá ong hoá.

5. Gây trồng và chăm sóc

a. Thời vụ trồng:

Trồng vào đầu mùa mưa cho đến trước khi kết thúc mùa mưa 1 tháng.

Miền Bắc có 2 vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 1-3) và vụ thu (tháng 8-10). Trồng vào ngày râm mát, đất đủ ẩm.

b.  Xử lý thực bì:

Thực bì là trảng cỏ, cây bụi thì phát quang 2 m2 nơi cuốc hố trồng. Mật độ 300 bụi/ha, cự ly 6 x 6 (m).

Thực bì là rừng gỗ thứ sinh, tre nứa hỗn giao hoặc thuần loài thì phát rộng 2 m, rạch cách rạch 10 - 12 m theo hướng Đông Tây hay đường đồng mức. Mật độ 150-200 bụi/ha.

c. Đào hố:

Hố đào kích thước 50x50x50 (cm) trước vụ trồng ít nhất 1 tháng, đào xong phải lấp lại để giữ ẩm.

d. Phương thức và mật độ trồng:

- Trồng rừng toàn diện:

Trồng rừng thuần loài để sản xuất nguyên vật liệu: mật độ 200 khóm/ha, cự ly 10x5 m.

Trồng rừng hỗn loài theo băng áp dụng cho rừng phòng hộ: mật độ 125 khóm/ha, cự ly 16x5 m.

Trồng rừng hỗn loài theo hàng áp dụng cho rừng sản xuất và rừng phòng hộ: mật độ trồng 375 cây/ha, trong đó có 125 khóm luồng/ha + 125 cây keo tai tượng/ha + 125 cây gỗ bản địa/ha (cự ly luồng 16x5 m, keo tai tượng 16x5 m, cây gỗ bản địa 16x5 m).

- Trồng rừng cục bộ: Có 3 dạng trồng rừng cục bộ

Trồng luồng bao đồi: Trồng luồng theo hàng ở dưới chân đồi, khóm cách khóm 4 m bao quanh diện tích rừng khoanh nuôi, rừng làm giàu hoặc rừng đã trồng cây lá rộng bản địa lâu năm.

Trồng luồng theo đám: Trồng ở lỗ trống trong rừng khoanh nuôi cây lá rộng, cự ly trồng là 7x7 m. Không trồng dưới tán rừng.

Trồng luồng phân tán: Trồng trong vườn hộ, ven đường, kênh mương, sông suối.

Rừng luồng ở Phú Thọ

 

e. Làm đất, bón phân:

Cuốc hố kích thước 60 x 60 x 50 cm, xong trước khi trồng một tháng. Lấp đất 2/3 hố, trộn đều đất trong hố với một trong các loại phân: 8- 10 kg phân chuồng hoai hoặc 1-2 kg phân vi sinh hoặc 0,5-1 kg phân NPK.

g. Gây trồng:

Bứng giống ở vườn ươm không được để vỡ bầu đất, cắt bớt phần ngọn mới ra, để lại 50-60 cm. Vận chuyển đi xa phải có bện bầu bằng rơm rạ, bẹ chuối, nilon,..., không để vỡ bầu đất hoặc cây héo.

Nếu chưa trồng được ngay phải tập kết nơi râm mát, phủ một lớp đất mỏng và tưới giữ ẩm. Khơi đất giữa hố lên, đặt cây giống ngay ngắn vào giữa hố, lấp đất xung quanh và lèn chặt.

h. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

Trồng dặm kết hợp với chăm sóc lần thứ nhất.

Chăm sóc: Chăm sóc 5 năm đầu, mỗi năm chăm sóc 3 lần vào tháng 2-3, tháng 7-8 và tháng 10-11. Tiến hành phát dây leo cây bụi, cuốc xới quanh gốc sâu 10-15 cm theo hình vành khuyên rộng 0,5 m đối với năm thứ nhất, rộng 1m đối với năm thứ 2-5, đối với cây gỗ vun xới quanh gốc rộng 1-1,2 m. Đến tháng 7-8 phát dây leo cây bụi quanh gốc.

Bón thúc: Bón phân vào tháng 2-3 kết hợp với lần chăm sóc đầu từ năm thứ 2 đến năm thứ 5. Lượng bón từ 0,5-1 kg phân NPK đối với luồng; 0,05-0,1 kg/lần đối với cây gỗ bản địa; bón theo rạch vòng quanh gốc từ năm thứ 2-5, mỗi năm một lần.

Chặt vệ sinh: Khi rừng đạt 4 tuổi, chặt những cây ở tuổi 4, cây bị bệnh, gãy ngọn và toàn bộ keo tai tượng. Ở Miền Bắc tiến hành chặt vệ sinh vào cuối mùa khô từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Chặt sát gốc, dọn sạch cành nhánh sau chặt vệ sinh.

i. Phòng trừ sâu bệnh:

Bệnh chổi xể: chặt bỏ những cây bị bệnh đem ra xa đốt, phun thuốc Boócđô 1% vào gốc với lượng 2-3 lít/ búi.

Sâu vòi voi hại măng: cuốc xung quanh gốc theo hình vành khuyên tất cả các bụi luồng trong lâm phần, cuốc rộng 1 m, sâu 20-25 cm kết hợp với lần chăm sóc vào tháng 10-11.

k. Phòng chống lửa rừng và bảo vệ rừng:

Dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác rừng. Ngăn chặn mọi hành động phá hoại của người và gia súc.

Nguyễn Đức Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia