Trong những năm gần đây, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường. Do tác động của việc biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên và diễn biến trên diện rộng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa mùa khô năm 2016 thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 40 - 50%, do đó sẽ xảy ra khô hạn nghiêm trọng trên diện rộng. Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hiện tượng khô hạn này đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sinh trưởng và phát triển của một số cây trồng chủ lực của từng địa phương và cả vùng miền.

Nhằm giúp bà con nông dân nắm bắt những kiến thức mới trong việc hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của tình hình khô hạn đối với cây trồng, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn, xin đưa ra một số giải pháp sau:

Giải pháp quản lý chống lãng phí nguồn nước:

- Bà con nông dân cần có ý thức tự giác sử dụng và bảo vệ nguồn nước hợp lý, chống lãng phí thất thoát nước trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất nông nghiệp.

- Đặc biệt kịp thời tu sửa hoặc báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm gần nhất, khi phát hiện các kênh mương nội đồng, mương chính… bị rò rỉ nước, thất thoát nguồn nước ra các diện tích không cần sử dụng nước, nước ngọt từ các mương chảy ra kênh rạch và ra biển.

- Có thể khảo sát các ao hồ nước ngọt để dự phòng đưa vào tưới bổ sung kịp thời cho các diện tích sản xuất nông nghiệp khi xảy ra tình trạng thiếu nước.

Các giải pháp canh tác và sử dụng nguồn nước hợp lý:

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn trong giai đoạn hiện nay là cần áp dụng đồng bộ các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Kỹ thuật tưới tiết kiệm là kỹ thuật cung cấp nước hiệu quả, tùy vào nhu cầu thực tế của cây trồng trong các giai đoạn, điều kiện khác nhau mà cung cấp chế độ và lượng nước phù hợp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng một cách đáng kể. Tưới nước tiết kiệm còn cung cấp nước và chất dinh dưỡng trực tiếp vào vùng rễ hút của cây, hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát nước ra khỏi vùng không kiểm soát của rễ cây. Tùy vào các đối tượng cây trồng khác nhau mà ta có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật sử dụng nguồn nước tiết kiệm khác nhau.

 * Đối với cây lúa nước:

Một số diện tích đất sản xuất lúa có nguy cơ cao thiếu nước vào thời điểm gần cuối vụ hè thu, vì thế cần ưu tiên sử dụng các giống chịu hạn mà vẫn cho năng suất lúa ổn định.

Để cung cấp nguồn nước phù hợp, tiết kiệm trong canh tác lúa, cần tuân thủ tuyệt đối về khâu quản lý nước theo quy trình  “1 phải 5 giảm”. Ruộng trồng lúa không phải luôn luôn cần ngập nước, ruộng chỉ cần ngập nước trong giai đoạn lúa non để ém cỏ và trong giai đoạn lúa trỗ để kết hạt tốt, vào các giai đoạn khác có thể áp dụng biện pháp tưới “ngập khô xen kẽ”, trong bất kỳ giai đoạn nào, lớp nước ngập tối đa là 5 cm. Biện pháp tiết kiệm nước được thực hiện trong 3 giai đoạn (trước trỗ, lúa trỗ và sau trỗ). Để theo dõi nước trong ruộng ta có thể sử dụng ống đo nước.

Sau khi gieo hàng cần để ruộng thật ráo, tránh các vũng nước đọng làm chết lúa. Sau khi sạ từ 3-5 ngày đưa nước vào ruộng 1-3 cm và tiếp tục giữ đến 20 ngày sau sạ (NSS), cho mực nước lên 3-5 cm. Giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển và hạn chế sự mọc mầm của cỏ dại.

Sau khi lúa đẻ nhánh kín hàng (25-40NSS), đây là giai đoạn cây lúa đẻ nhánh rộ đến đẻ nhánh tối đa, chỉ cần ở mức vừa đủ, giữ nước trong ruộng từ bằng mặt đất cho đến thấp hơn mặt đất 15 cm. Khi mực nước xuống thấp hơn mặt đất 15 cm thì mới lấy nước vào ngập tối đa là 5 cm, tiếp tục để nước hạ xuống dưới 15 cm thì mới lấy nước vào tiếp. Đây là biện pháp giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, bộ rễ hô hấp tốt, giảm bớt các chất độc trong môi trường ngập nước.

Giai đoạn 40-45 NSS cho nước vào 1-3 cm để bón phân đón đòng. Khi lúa trỗ lấy nước tối đa không quá 5 cm và giữ nước trong vòng khoảng 10 ngày sau trỗ. Tiếp tục điều tiết ngập khô xen kẽ tương tự giai đoạn 20-40 NSS. Tháo nước trước thu hoạch 5-7 ngày để thúc đẩy quá trình chín và dễ ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch.

* Đối với các loại cây trồng ngắn ngày:

- Nhóm cây nông nghiệp ngắn ngày như hoa màu, gia vị, lạc, ngô, dưa hấu, bí… Tùy theo điều kiện canh tác nông nghiệp từng vùng mà bà nông dân có thể chủ động luân canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý. Đặc biệt nên áp dụng màng phủ nông nghiệp (trải bạt) trong canh tác đối với các cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như dưa hấu, ớt, khổ qua… Sử dụng màng phủ nông nghiệp ngoài tác dụng chính là tiết kiệm nước còn mang lại các lợi ích khác như hạn chế thất thoát phân bón, sự phát triển của cỏ dại.

* Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, xoài…

Cần phải xác định nhu cầu lượng nước của từng đối tượng cây trồng, từng giai đoạn cây trồng và có các phương pháp tưới hợp lý để tránh sự lãng phí nước. Nếu có điều kiện kinh tế thì áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt nên cung cấp nước cho cây trồng một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Nên tạo bồn tủ gốc để tưới, làm cỏ cục bộ phá váng để tránh hiện tượng mao dẫn gây ra hiện tượng bốc hơi nước rất lớn.

Ngoài các biện pháp tưới nước hợp lý như trên, cần tuân thủ bón phân cân đối cho cây trồng, cũng góp phần cho cây sinh trưởng khỏe mạnh có khả năng chịu hạn rất tốt.

Lê Hữu Phúc

Trung tâm KN-KN Phú Yên