1. Biện pháp canh tác

a. Vệ sinh vườn vải

Thường xuyên vệ sinh vườn và làm cỏ, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. Thu gom cành lá và quả rụng đem đốt hoặc ủ kín với vôi bột. Từ đầu mùa thu cần giữ thảm cỏ hoặc rải rơm rạ trên vườn để đảm bảo độ ẩm cho cây.

b. Phân bón

* Nguồn phân bón

- Sử dụng các loại phân bón không nhiễm hóa chất và các vi sinh vật gây hại. Không dùng các loại phân bón không rõ nguồn gốc.

- Sử dụng các nguồn phân chuồng đã được ủ hoai mục.

* Liều lượng phân bón

Tuổi cây (năm)

Lượng phân bón (kg/cây/năm)

Hữu cơ hoai

Đạm Urê

Lân Supe

Kali Clorua

1 – 3 (chưa cho quả)

15 – 20

0,25

0,50

0,30

4 - 5

30 - 50

0,40

0,80

0,70

6 - 7

30 - 50

0,70

1,00

1,10

8 - 9

30 - 50

0,90

1,30

1,30

10 - 11

50 - 70

1,10

1,70

1,70

12 - 13

50 - 70

1,30

2,00

1,90

14 - 15

50 - 70

1,80

2,50

2,90

>15

50 - 70

2,20

3,00

3,40

Trường hợp nguồn phân chuồng không đủ cung cấp, có thể sử dụng thêm các loại phân hữu cơ vi sinh, phân xanh. Tùy theo hàm lượng N, P, K có trong phân vi sinh và tuổi cây mà quyết định liều lượng bón phù hợp. Tuy nhiên, có thể bón 5-7 kg phân vi sinh/cây/năm hoặc 50 kg phân chuồng + 10-12 kg NPK có tỷ lệ 5:7:6 hoặc có tỷ lệ 5:10:3.

* Thời điểm bón phân:

Lần bón

Thời điểm bón

Mục đích bón

Tỷ lệ lượng bón cho các lần (%)

Hữu cơ

Đạm Urê

Lân Supe

Kali Clorua

1

Sau thu hoạch 7–10 ngày

Khôi phục sinh trưởng sau thu hoạch

100

50

40

25

2

Bắt đầu xuất hiện hoa

Nuôi hoa và quả

-

25

30

25

3

Đường kính quả 0,5–1,0 cm

Nuôi quả

-

25

30

50

* Cách bón:

- Bón phân hữu cơ: Đào rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm theo hình chiếu của tán cây, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.   

- Bón phân vô cơ: Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu tán, xới nhẹ đất và tưới giữ ẩm.

c. Nước tưới

- Sử dụng nguồn nước sạch không bị ô nhiễm hóa chất và các vi sinh vật gây hại.

- Tưới ẩm thường xuyên cho cây từ khi cây hình thành hoa đến khi thu hoạch, chú ý tưới sau mỗi đợt bón phân và trong các đợt hình thành lộc. Giai đoạn trước Đông chí từ 20 – 25 ngày không nên tưới nước, vì nếu tưới nước cây sẽ ra lộc hoặc vừa ra lộc vừa ra hoa. Giai đoạn quả non và giai đoạn thu hoạch nên tưới vào gốc và tán cây, không được tưới đẫm nước đột ngột gây nên hiện tượng rụng hoa và quả, nứt quả non.

- Tuyệt đối không tiến hành bón phân và tưới nước vào thời gian từ sau tháng 10 đến cuối tháng 1, đặc biệt là khi cây phân hóa mầm hoa (cuối tháng 11, 12).  

d. Tỉa cành, tạo tán

Cắt tỉa thường xuyên, đảm bảo tán cây cân đối, có hình mâm xôi hoặc hình bánh dày, chắc, khỏe, thông thoáng. Cắt tỉa quan trọng nhất vào 3 thời vụ là vụ hè, vụ đông và vụ xuân.

- Vụ hè: Tiến hành ngay sau khi thu hoạch quả 15 ngày. Bấm 5 - 10 cm các đầu cành. Cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh, cành trên đỉnh và tỉa thưa nhằm tạo cho tán có độ thông thoáng và các cành phân bố đều.

- Vụ đông: Tiến hành trước ra hoa 10 - 15 ngày. Cắt tỉa toàn bộ các cành tăm, cành vượt trong tán, các cành lá nhỏ phía ngoài tán, chỉ để lại 2 - 3 đầu cành chính mọc ra từ đầu cành đã bấm trong vụ hè.

- Vụ xuân: Tiến hành vào đầu đến giữa tháng 4. Cắt bỏ những cành hè nhỏ, yếu, mọc quá xít nhau, tỉa bỏ những chùm quả nhỏ, quá dày và bị sâu bệnh.

e. Kích thích ra hoa và diệt lộc đông

* Kích thích ra hoa

- Thời gian xử lý: Khi cây bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa. Đối với các giống vải chín sớm từ 10/11 - 25/11 và đối với các giống vải chính vụ từ 1/12 đến 20/12 hàng năm.

- Kỹ thuật xử lý: có thể áp dụng một trong các biện pháp sau

+ Cuốc lật đất quanh tán: Tiến hành cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 đối với những cây sinh trưởng tốt. Cuốc lật đất theo hình chiếu mép tán cây, rộng 40-50 cm, sâu 4-5 cm vừa chạm đầu rễ.

+ Khoanh vỏ: Tiến hành khoanh bằng dụng cụ chuyên dụng đối với những cây sinh trưởng khoẻ và từ 6 năm tuổi trở lên. Khoanh các cành cấp 1 và cấp 2. Khoanh một vòng khép kín hoặc 1,5 – 2,0 vòng xoáy trôn ốc cho vừa khép nối miệng khoanh. Chỉ khoanh hết phần vỏ, bắt đầu chạm gỗ.  

+ Phun Ethrel kích thích ra hoa: Phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày vào tháng 11 đối với những cây sinh trưởng khoẻ, có thể ra lộc đông. Phun Ethrel 40% ở nồng độ 600 ppm (pha 6 ml Ethrel với 10 lít nước).

* Biện pháp kỹ thuật diệt lộc đông

- Thời gian xử lý: tháng 11- 12 dương lịch hàng năm, trước Đông chí.

- Kỹ thuật xử lý:

+ Biện pháp thủ công: dùng kéo hoặc tay ngắt bỏ toàn bộ lộc mới nhú.

+ Phun Ethrel: đối với những cây đã ra lộc đông, phun Ethrel loại 40% ở nồng độ 800 - 1.000 ppm (pha 8 - 10 ml Ethrel với 10 lít nước) khi cành lộc dài 5 - 7 cm và lá non bắt đầu chuyển từ đỏ tía sang hanh vàng.

* Biện pháp kỹ thuật hạn chế cây ra lộc đông

- Thời gian xử lý: lần 1 vào đầu tháng 12 và lần 2 vào giữa tháng 12 hàng năm.

- Kỹ thuật xử lý: phun Ethrel 40% ở nồng độ 600 - 800 ppm.

g. Điều tiết thời gian chín của quả

Phun Ethrel 40% nồng độ 400 ppm (pha 4 ml thuốc với 10 lít nước) sau đậu quả 60 ngày làm quả chín sớm hơn và màu sắc vỏ quả đỏ đậm đẹp hơn.

2. Biện pháp sinh học

- Sử dụng biện pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và ICM (quản lý cây trồng tổng hợp) nhằm hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học.

- Khuyến khích các hoạt động bảo vệ quần thể thiên địch của sâu đục cuống quả vải: các loài bắt mồi ăn thịt (bọ mắt vàng Chrysopa carnea (Stephens), bọ đuôi kìm Chelisoches morio (Fabricius), ...) và 2 loài ongChelonus sp. và Phanerotoma sp. ký sinh sâu non,... nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong vườn vải, khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch.

3. Biện pháp sử dụng hóa chất

a. Ngưỡng phòng trừ:

Phun thuốc ngay khi mật độ trưởng thành 1 - 2 con/cành (trên vải sớm) và 2 - 3 con/cành (trên vải chính vụ).  

b. Thời điểm phun thuốc:

Đặc biệt lưu ý giai đoạn hình thành quả và giai đoạn quả bắt đầu đỏ cuống. Trên vải sớm, các thời điểm từ 10/3 - 15/3 và 20/4 - 25/4. Trên vải chính vụ, các thời điểm 10/4 - 20/4 và 15/5 - 30/5 hàng năm.

c. Sử dụng thuốc:

- Sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Sử dụng luân phiên các loại thuốc và ưu tiên các thuốc đặc hiệu, thuốc chọn lọc có tác động tiếp xúc, ít độc hại và thời gian phân hủy ngắn. Các thuốc có thời gian phân hủy dài, nếu sử dụng nên phun vào trước giai đoạn quả vải bắt đầu đỏ cuống để đảm bảo thời gian cách ly.  

- Loại thuốc: Sử dụng các loại thuốc sinh học như Bacillus thuringiensis var. kurstaki (Thuricide HP, OF 36 BIU), V-Bt (Bitadin WP, V-BT) và NPV (ViS1 1,5x109 PIB/g, Vicin-S 1011 PIB/g) ... Thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine (Wotac 5EC, Ema 5EC), Anisaf SH-01 2SL, ... Thuốc có nguồn gốc sinh học chứa các hoạt chất như Azadirachtin (A-Z annong 0.9EC), Spinosad (Success 25SC), ... Thuốc hóa học có chứa hoạt chất như Imidacloprid (Admire 050EC, Confidor 100SL); Etofenprox (Trebon 10EC); Pyridaben (Alfamite 20WP); Thiamethoxam (Actara 25WG, Ranaxa 25WG), ...

- Nồng độ và liều lượng: dùng theo hướng dẫn của từng loại thuốc ghi trên nhãn thuốc.   

- Cách sử dụng: phun đều cho toàn bộ số cây trong vườn kể cả những cây không có quả, tập trung phun vào phần các cành gốc phía trong tán cây và đặc biệt lưu ý các cây ở khu vực dưới chân đồi, các cây có tán lá rậm rạp. Việc phun thuốc cần được tiến hành đồng loạt trong cả cộng đồng mới mong đạt hiệu quả cao.

- Dừng phun thuốc trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày.

2.4. Biện pháp thu hoạch  

- Thu hoạch đúng thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 10 ngày.

- Thu hoạch quả cần đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng lúc khi quả đủ độ chín (mặt trong của cùi quả đã có vân màu hồng nhạt) sẽ hạn chế được tác hại của các đối tượng sâu bệnh do thu hoạch muộn như bệnh sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả vải và ruồi đục quả. Thu hái vải quả nhẹ nhàng vào buổi sáng và chiều mát trong những ngày khô ráo, loại bỏ quả nứt vỡ, thối, chín không đều. Vận chuyển ngay quả thu hoạch vào nơi râm mát, nơi có mái che, kho chứa.

- Dư lượng thuốc trên sản phẩm đảm bảo không vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế.

- Sau thu hoạch cần tiến hành cắt tỉa, dọn sạch cỏ dại, thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật mang mầm mống sâu bệnh hại nhằm giảm nhẹ sự lây lan và gây hại của sâu bệnh lên cây trồng vụ sau. 

BBT (gt)