Năm 2014 sắp đi qua, sản xuất nông nghiệp lại bước vào một năm mới, một vụ mới, xin được trao đổi với các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân các địa phương những lưu ý về sản xuất vụ xuân 2015 như sau: 

1. Khó khăn cần lường trước

* Khí hậu thời tiết: Vụ xuân 2015 ở miền Bắc là “nghiêng ấm”, và sẽ có nhiều vấn đề phải bàn về dạng hình thời tiết này cùng những bất thường khác mà chúng ta không dễ dàng biết được “ông trời” sẽ thế nào?

* Sâu bệnh hại: Thời tiết ấm, cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, thời tiết ấm, nguồn thức ăn sẽ sẵn có hơn, ký chủ tốt hơn, và vì vậy vụ xuân ấm cũng sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh nhiều hơn.

* Tiêu thụ nông sản tiếp tục khó khăn, nhất là với lúa gạo, áp lực cạnh tranh và chất lượng lúa gạo, xả gạo tồn trữ của Thái Lan…

Ảnh minh họa

2. Giải pháp chỉ đạo thực hiện

 Trước hết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần sớm có kế hoạch sản xuất, đề án sản xuất trên cơ sở “tiên lượng” tình huống xấu, tình huống không thuận lợi để luôn chủ động trong chỉ đạo và giải quyết các tình thế. Chúng ta đều nhận thức và thực tế nhiều năm đã chỉ ra rằng; nếu thời tiết vụ xuân rét, càng rét đậm, rét hại, rét chết mạ, chết lúa, phàm những vụ đó là vụ trúng mùa, sâu bệnh cũng đỡ. Vụ ấm sẽ khó khăn hơn, việc chỉ đạo sẽ phải linh hoạt hơn, sâu sát và quyết liệt hơn. Tình huống này, chúng ta cũng đã có “bài thuốc” về kỹ thuật rồi, và bài thuốc này cũng đã qua kiểm chứng, nó được rút ra từ các cứ liệu khoa học, từ thực tế sản xuất những năm ấm mà chúng ta đã phải chạy rối lên để “chống ấm”. Kinh nghiệm sâu sắc nhất đúc rút từ nhiều năm chỉ đạo là: Dự báo sớm, cảnh báo sớm, chỉ đạo sớm, quyết liệt, sâu sắc để cả hệ thống chính trị nhận thức được rồi vào cuộc cùng ngành nông nghiệp.

Các vấn đề kỹ thuật, thống nhất định hướng về cơ cấu là: Mở tối đa giống ngắn ngày, nên chọn nhóm giống có thời gian sinh trưởng 135 - 140 ngày vụ xuân trở xuống, hầu hết các giống chất lượng, giống lúa lai, giống lúa năng suất cao đang phổ biến là ở nhóm này. Hiện nhiều địa phương ở miền Bắc đã bỏ trà dài ngày, một số còn gieo cấy với lý do là đất thấp trũng, không cấy được mạ ngắn, nhưng thực tế ở các địa phương chỉ gieo cấy giống ngắn ngày, không phải là ở đó không có đất thấp trũng, vấn đề là sự đồng thuận và chỉ đạo quyết liệt và làm nổi bật được lợi thế, hiệu quả hơn của trà ngắn ngày. Mở rộng hơn nữa lúa ưu thế lai trong nhóm ngắn ngày. Thời vụ sẽ vô cùng quan trọng với vụ xuân ấm, vụ xuân 2015, lập xuân ngày 4/02/2015, nhằm ngày 16/chạp/2014 (Giáp Ngọ); nếu gieo sớm (cuối tháng 1 hoặc trước lập xuân), nền nhiệt tháng 2 dự báo ấm, mạ lên nhanh, chỉ 10 - 12 ngày đã đủ 3 đến trên 3 lá, khó có thể hãm được mạ thêm, nếu để, mạ hết dinh dưỡng và bệnh chết chòm sẽ tấn công; cấy ra nếu gặp ấm, lúa bén rễ hồi xanh ngay và lên vù vù, nguy cơ trổ bông cuối tháng 4 là cầm chắc, lúa trổ thời kỳ này thì phân hóa bước 4 - 6 là xung quanh 10 - 15/4, giai đoạn này tần suất rét “nàng bân” rơi vào con số 75 - 80%, với các giống mẫn cảm sẽ khỏi phải nói, còn các giống bình thường cũng sẽ bị thui hoa và số hạt/bông sẽ thấp.

Thời vụ này sẽ phù hợp hơn với vùng Bắc Trung Bộ, vì tác động của không khí lạnh yếu dần với khu vực này, hơn nữa nếu để muộn thì Bắc Trung Bộ bị tác động của gió tây cũng sẽ “nguy” hơn, nhất là gió tây mà ruộng lại thiếu nước. Vùng đồng bằng sông Hồng cần bố trí gieo sau lập xuân để cấy ngay sau tết âm lịch, trong kịch bản này thì gieo sạ, gieo vãi sau tết âm lịch là “thượng sách” nhất vì vừa đảm bảo lúa trổ bông vào giai đoạn có tần suất an toàn cao, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Tổ chức hợp tác theo tổ đội, ngâm ủ tập trung, làm đất đồng loạt, gieo cùng trà, phun thuốc trừ cỏ cùng nhau bằng máy cơ giới, chi phí tất cả các khâu đầu sẽ giảm được già nửa so với bình thường. “Vị thuốc” tiếp theo là sử dụng phân bón và tưới nước; bón phân cân đối, hợp lý, lót sâu, thúc khi lúa ra rễ trắng và lá mới.

 Việc sử dụng phân bón, đề xuất với các địa phương cần đầu tư để xem xét trên cơ sở phân tích dinh dưỡng tầng mặt và đưa ra “một gói kỹ thuật” cho cây, cho giống, cho đất hợp lý hơn. Do nền nhiệt nghiêng ấm, dinh dưỡng phân giải nhanh hơn, dễ thất thoát hơn nếu bón không đúng cách. Tưới nước - một yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân, “nước là áo của lúa xuân” giai đoạn cây con không thể để thiếu nước, nhưng cần tưới tiết kiệm mà mang lại hiệu quả cao với cách tưới “Nông-Lộ-Phơi”cho giai đoạn đẻ nhánh trở về sau. Tưới như vậy sẽ có cánh đồng lúa khỏe mạnh, rễ lúa ăn sâu, hút dinh dưỡng tốt và cứng cây, chống đổ. Và vấn đề sâu bệnh, cần hết sức lưu ý để điều tra, phát hiện, dự tính dự báo kịp thời, tiêu diệt sớm không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, chú ý các giống mẫn cảm, chân đất, ruộng thường xuyên có ổ bệnh; tổ chức hình thức dịch vụ bảo vệ thực vật để dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách, tiết giảm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường. Tuyên truyền, vận động và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn chuyển lúa ở chân đất cao, khó tưới, chân pha cát, thịt nhẹ sang các cây trồng cạn có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ, nhưng cần đảm bảo đồng bộ với một gói kỹ thuật từ giống đến canh tác (mật độ, phân bón…) để chuyển đổi phải cho hiệu quả cao hơn lúa.

Cuối cùng, với các giải pháp kỹ thuật trên, cần tuyên truyền trên các kênh thông tin, nhất là hệ thống loa truyền thanh ở huyện, xã, thị trấn các chủ trương, giải pháp sản xuất vụ xuân 2015 đến với nông dân sớm. Thông tin vô cùng quan trọng với tình huống này, và công năng của mạng lưới khuyến nông với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, băng hình khoa giáo sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Vụ xuân 2015, khó, nhưng tôi tin với kinh nghiệm của cán bộ ngành nông nghiệp, sự đồng thuận, sự sâu sát, nông dân tiếp thu và vận dụng sáng tạo, sản xuất vụ xuân 2015 sẽ thắng lợi.

Trần Xuân Định - PCT Cục Trồng trọt

(Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam)