Tất cả các diện tích cây vụ đông sau mưa bão cần khẩn trương tháo nước nhanh bằng mọi biện pháp.

 

1. Đối với bí xanh, bí đỏ

 

Cơ bản đang ở thời kỳ ra hoa rộ, diện tích trồng sớm đã cho thu hoạch lứa 1. Sau bão, bí bị táp lá, thối hoa, quả. Cần khẩn trương phun ngay các chế phẩm như siêu lân Sông Hồng hoặc bón phân lân sufe để phục hồi bộ rễ. Kết hợp phun thêm các loại thuốc như Valydacin để hạn chế lở cổ rễ, Ridomil hoặc score... để phòng trừ bệnh chết chạy dây.

 

Sau khi cây phục hồi bón thêm 3-4 kg NPK chuyên dùng cây màu loại 16:16:8 hoặc 13:13:13 + TE để bổ sung dinh dưỡng cho bí.

 

2. Đối với ngô

 

Hiện tại ngô đông sớm đang ở thời kỳ xoắn nõn, trỗ cờ phun râu. Sau bão rất nhiều diện tích ngô bị đổ. Bà con cần phải tháo nước nhanh, không để ngô bị ngập úng. Sau đó bón thêm mỗi sào 5-7 kg lân sufe hoặc các loại chế phẩm qua lá siêu lân, KH.. để phát triển bộ rễ. Khi thấy cây phục hồi bón bổ sung 4-5 kg NPK chuyên dùng cây màu.

 

3. Đối với khoai tây

 

Diện tích trồng sớm bà con đã vun lần 1, trồng muộn hơn thì khoai tây đang bắt đầu mọc. Sau bão những diện tích bị ngập cần khẩn trương tháo nước nhanh, tuyệt đối không được để khoai tây bị úng làm thối củ giống.

 

- Đối với diện tích đã đến thời kỳ cần vun lần 1 nhưng do mưa to đất ướt không vun được, nhất thiết không được chờ trời nắng đất khô mới vun khoai mà nên sử dụng trấu lấp kín cổ khoai để tạo bóng tối cho tỉa củ phát triển. Nếu không che tối kịp thời tia củ sẽ phát triển thành cành, sau này khoai ít củ ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

 

- Diện tích khoai vừa mọc, sau khi thoát nước, thời tiết ổn định, cần bón phân thúc ngay cho khoai tây. Việc bón phân phải kết thúc sau trồng 40 ngày.
Đồng thời kiểm tra đồng ruộng phòng trừ bệnh lở cổ rễ, héo xanh...

 

Mai Thị Thu Hương - TTKNKNKN Thái Bình