Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng thuỷ văn Thanh Hoá dự báo, thời tiết vụ thu - mùa năm nay diễn biến có nhiều phức tạp; các hiện tượng thời tiết cực đoan dự báo sẽ xuất hiện với tần suất lớn hơn. Hạn hán vẫn sẽ diễn ra ở những vùng khó khăn về nước tưới. Nắng nóng dự kiến diễn ra ở vùng đồng bằng khoảng 5-8 đợt với tổng số ngày nắng nóng 20-30 ngày; vùng miền núi nắng nóng nhiều hơn từ 10-15 đợt với tổng ngày nắng nóng khoảng 30-40 ngày. Tình hình sâu bệnh hại cây trồng vụ tiếp tục diễn biến phức tạp, đa dạng; đặc biệt là đối tượng sâu bệnh nguy hiểm trong vụ mùa thường gây thất thiệt đến năng suất như: bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, sâu đục thân luôn đe dọa nguy cơ bùng phát thành dịch.

Chính vì vậy, để có thể dánh thắng lợi trong sản xuất vụ thu – mùa cả về diện tích, năng suất, giá trị, khắc phục các điều kiện bất lợi của thời tiết. Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo vào một số giải pháp như sau:

Đối với cây lúa: Tập trung khuyến cáo bà con nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, mở rộng diện tích lúa lai và lúa thuần chất lượng cao. Mở rộng tối đa trà lúa cực sớm và mùa sớm; hạn chế trà lúa mùa chính vụ, mùa muộn. Phấn đấu đạt 85% tổng diện tích lúa cực sớm và mùa sớm trở lên để né tránh mưa bão, sâu bệnh cuối vụ mùa, đảm bảo cho lúa trỗ, chín an toàn; đồng thời tạo quỹ đất lớn cho sản xuất vụ đông. Mỗi vùng sản xuất chỉ nên cơ cấu từ 1-2 loại giống, mỗi xã nên cơ cấu từ 3 giống để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Trên diện tích đất cao khó khăn về nước tưới hoặc năng suất lúa thấp, cần chuyển đổi sang trồng các loại cây màu để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Chân đất né lụt sử dụng các giống: Thanh ưu 4, TH3-3, TH3-4, TH3-5, Việt lai 20... thời vụ gieo mạ từ ngày 10/5/2017 đến ngày 15/5/2017, thu hoạch trước ngày 05/9/2017.

- Chân đất 2 lúa, sản xuất cây vụ đông sớm, sử dụng các giống: Bắc Thịnh, TBR225, Nghi hương 2308...; thời vụ gieo mạ từ ngày 25/5/2017 đến ngày 05/6/2017, thu hoạch trước ngày 25/9/2017.

- Chân đất 2 lúa mở rộng sản xuất vụ đông, sử dụng các giống: BC15, ZZD001, TeJ vàng... thời vụ gieo mạ từ ngày 25/5/2017 đến ngày 05/6/2017, thu hoạch trước ngày 05/10/2017.

- Chân đất 2 lúa, vàn thấp cấy lúa mùa chính vụ, sử dụng các giống: M1- NĐ, Nhị ưu 838, Nam ưu 209, Xuyên hương 178, Nam Dương 99; thời vụ gieo mạ từ ngày 25/5/2017 đến ngày 10/6/2017, thu hoạch trước ngày 10/10/2017.

Đối với cây màu: Thu hoạch cây trồng vụ xuân đến đâu thì gieo trồng cây vụ thu đến đấy, tranh thủ thời vụ và độ ẩm đất.

- Cây ngô: Trên chân đất chuyên màu, đất lúa khó khăn về nước tưới chuyển trồng ngô, sử dụng các giống: VS36, PSC747, NK66, B06, CP333... Trên chân đất đồi thấp, sử dụng các giống: VS 36, PSC102, CP 111, CP555, B265. Trên chân đất bãi ven sông, sử dụng các giống: CP3Q, CP999, CP501, NK7326... Thời vụ tốt nhất gieo trồng kết thúc trước ngày 15/6/2017.

- Cây đậu tương: Chủ yếu trồng trên chân đất bãi chuyên màu, đất luân canh với cây mía, đất lúa khó tưới; nên sử dụng các giống  đậu tương ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao: ĐT84, DT96, DT99, ĐT26,… vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Thời vụ gieo trồng đậu tương vụ thu xong trước ngày 30/6/2017.

- Cây lạc: Chủ yếu trồng trên chân đất bãi chuyên màu, đất luân canh với cây mía, đất pha cát vùng ven biển; gieo trồng các giống L14, L16, L23, L24, L26 và TB25. Thời vụ gieo trồng lạc vụ thu tốt nhất trước ngày 20/6/2017.

Thực hiện, đẩy mạnh cơ giới hoá trong các khâu sản xuất, mở rộng diện tích sử dụng mạ khay, máy cấy. Sử dụng cân đối phân bón, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Áp dụng chương trình quản lý cây trông tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật thâm canh lúa tổng hợp (SRI), mở rộng diện tích sử dụng phân bón chuyên dụng cho từng loại cây trồng, phân viên nén dúi sâu, phân nhả chậm để bón cho cây trồng. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Mặt khác, thực hiện có hiệu quả công tác khuyến nông, đổi mới phương pháp chuyển giao kỹ thuật đến hộ nông dân.

Nguyễn Trọng Minh

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa