Vật liệu này được gọi là than sinh học, do nhóm nghiên cứu về khai thác tài nguyên của Đại học Politécnica de Madrid (Tây Ban Nha) sàng lọc và phân loại. Than sinh học có tác dụng hứa hẹn vì bổ sung nó có thể nâng cao chất lượng đất, từ đó có thể nâng cao năng suất cây trồng. Ngoài ra, than sinh học còn có nhiều đặc tính có lợi cho môi trường.

Cấu trúc tổng thể trong đất sau khi thêm “than sinh học"

Ngày nay, bùn thải đang ngày càng gia tăng, việc quản lý và xử lý bùn thải đã được nghiên cứu kỹ càng trong những năm gần đây. Có nhiều cách sử dụng bùn khác nhau, ở các nước như Tây Ban Nha, nơi mà đất có hàm lượng chất hữu cơ thấp, bùn thải được sử dụng bằng cách cho trực tiếp vào đất. Tuy nhiên, cách làm này có một số vấn đề tồn tại do hàm lượng muối, kim loại và các hợp chất hữu cơ trong bùn thải ở mức cao thậm chí có thể gây độc cho đất.

Các nhà nghiên cứu thuộc khoa khai thác tài nguyên của UPM đã tiến hành sàng lọc và phân loại than sinh học trong nhiều năm. Họ cũng đã nghiên cứu về than sinh học từ bùn nước thải và các tác động lên tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất từ đó nâng cao hiệu quả của vật liệu này. Đến nay, các kết quả thu nhận được rất đáng khích lệ. Chúng cho thấy tại sao việc thêm than sinh học vào lại giúp nâng cao chất lượng đất (ví dụ tăng khả năng giữ ẩm, pH hay các hoạt tính sinh học của đất) và từ đó nâng cao năng suất cây trồng.

Hình ảnh cấu trúc “than sinh học” được chụp từ kính hiển vi điện tử

Các tác động tích cực khác của than sinh học từ bùn nước thải lên môi trường là: Thứ nhất, giảm độ hòa tan của các kim loại hiện có trong bùn nước thải. Thứ hai, cho phép hấp thụ các-bon đất nhờ độ ổn định cao hơn của than sinh học từ đó giảm thoái hóa đất và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Các nhà khoa học của UPM hiện đang mở rộng nghiên cứu các ứng dụng của than sinh học từ bùn nước thải và các loại chất thải hữu cơ nhạy cảm khác. Nghiên cứu này là hoạt động hợp tác giữa nhóm xử lý và tái sử dụng rác thải hữu cơ của Viện Khoa học Nông nghiệp CSIC, Phòng Kỹ sư môi trường – Đại học kỹ thuật Crete (Hy Lạp) và Viện Sinh thái học ứng dụng – Học viện Khoa học Trung Quốc.

Đoàn Đức Trung

(Nguồn: sciencedaily.com)