Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trưởng Ban tổ chức lễ hội thông tin: Đến nay đã có hơn 50 khách nước ngoài đăng kí tham gia Lễ hội Agritechnica Asia lần đầu tiên được tổ chức tại ĐBSCL. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã đăng kí 80 gian hàng.

"Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng kí tới 4 gian hàng để có nhiều không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm máy móc, thiết bị cơ giới hoá… Lễ hội Agritechnica Asia đến thời điểm này đã thu hút sự tham gia của một số tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đến từ Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…" - ông Lê Quốc Thanh thông tin.

Trưởng ban Tổ chức cũng cho biết, Lễ hội Agritechnica Asia là sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp, nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp thông qua cơ giới hóa, nông nghiệp số để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam.

Đồng thời, lễ hội cũng tạo sân chơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội quảng bá sản phẩm, trang thiết bị, thúc đẩy sự trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sự kiện cũng là dịp quảng bá văn hoá, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Ban Tổ chức cần có những bài phát biểu, tham luận thực chất. Tham luận bớt số liệu báo cáo, một mặt nêu rõ thực trạng cơ giới hoá hiện nay, một mặt cần đề ra các giải pháp giúp nông dân phát triển sản xuất hiệu quả, áp dụng cơ giới hoá thuận lợi, gắn với liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.

"Đề nghị các nội dung bài phát biểu, tham luận xoáy sâu về các kết quả chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hoá… Chúng ta cần những bài tham luận như vậy, còn nếu chung chung thì nên dành thì giờ cho các đại biểu, nông dân phát biểu. Đây là nhu cầu thực sự phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, chứ không chỉ là nói cho hay" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại cuộc họp

 

Theo Bộ NNPTNT, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và cơ giới hóa trong nông nghiệp nói riêng như: chính sách tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; chính sách miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp...

Tuy vậy, kết quả đạt được còn khá hạn chế, mức thu nhập của lao động nông nghiệp chỉ đạt trung bình khoảng 43 triệu đồng/người/năm và bằng 63% thu nhập của lao động phi nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường tiến tới số hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động là giải pháp tất yếu cho một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và phát triển bền vững.

Hàng loạt sự kiện bên lề hấp dẫn

Trong 3 ngày diễn ra, sự kiện dự kiến sẽ quy tụ khoảng 4.000 đại biểu, khách tham quan trong nước và quốc tế với các hoạt động chính như:

1. Mô hình trình diễn tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, quy mô 20 ha, tập trung vào các mô hình:

- Mô hình trình diễn canh tác lúa tiên tiến; Mô hình trình diễn các giống lúa OM; Mô hình trình diễn so sánh hiệu quả kinh tế và kỹ thuật các kỹ thuật canh tác tiên tiến tại ĐBSCL.

- Mô hình trình diễn kết  hợp hội thảo đầu bờ gồm: Mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL, mô hình trình diễn bón phân sinh học bằng máy bay Globalcheck cho lúa, mô hình trình diễn sạ hàng khí động APV, mô hình sản xuất giống lúa nguyên chủng…

2. Mô hình trình diễn vệ tinh của các doanh nghiệp với quy mô: 134,9 ha (thuộc 13 tỉnh ĐBSCL), 59 mô hình, được triển khai tại 134 điểm trình diễn.

3. Mô hình trình diễn khuyến nông tại ĐBSCL thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp; chăn nuôi thú y; thuỷ sản triển khai tại các tỉnh ĐBSCL với 25 mô hình, quy mô: 2074,2 ha.

4. Trình diễn công nghệ, máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại áp dụng trong sản xuất nông nghiệp bền vững quy mô 5 ha tại Viên Lúa ĐBSCL.

5. Trưng bày, triển lãm công nghệ, máy, thiết bị nông nghiệp và sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu các công nghệ, máy, thiết bị cơ giới hoá đồng bộ và sản phẩm OCOP, quy mô 70 gian hàng, trong đó: 50 gian hàng trưng bày máy, thiết bị, công nghệ (30 gian hàng của doanh nghiệp trong nước, 10 gian hàng của các viện, trường, 10 gian hàng quốc tế); 20 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

6. Hội thảo quốc tế và các hội thảo chuyên đề: Hội thảo cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững; Hội thảo tổng kết Chương trình CORIGAP; Hội thảo tham vấn xây dựng Trung tâm cơ khí nông nghiệp vùng ĐBSCL; Hội thảo chuyên đề cơ giới hoá sản xuất trái cây; Hội thảo chuyên đề cơ giới hoá lĩnh vực thuỷ sản.

 

NNVN