3.000 ha không thể cứu vãn

Vụ mùa 2017, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) có trên 4.800 ha lúa, bà con tập trung triển khai gieo cấy từ ngày 20/6. Thực hiện đúng khung thời vụ, lại không chịu tác động của sâu bệnh gây hại nên toàn bộ diện tích phát triển nhanh, đều. Thế nhưng, khi bão số 2 đổ bộ kéo theo mưa lớn suốt nhiều ngày liền khiến cho các phương án xử lý, khắc phục gần như vô tác dụng, nhiều diện tích bị ảnh hưởng nặng nề.

Ghi nhận thực tế, toàn huyện Đông Sơn có 525 ha lúa bị ngập lụt, trong đó 330 ha bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đặc biệt, gần 2/3 diện tích nói trên (213 ha) lâm vào tình cảnh mất trắng, số còn lại thiệt hại từ 30-70%. Bị nặng nhất phải kể đến thị trấn Rừng Thông (khoảng 90 ha), các xã Đông Thanh (94 ha), Đông Thịnh (51 ha) và Đông Khê (25 ha)… Dự kiến thiệt hại đối với lúa toàn huyện khoảng 4 tỷ đồng.

Đưa mắt về phía cánh đồng ngập sâu trong biển nước, anh Lê Bá Tô, trú tại thôn Đại Đồng, thị trấn Rừng Thông, buồn rầu cho biết: Gia đình có tổng cộng 7 sào lúa, đến nay, sau hơn một tuần chìm nghỉm trong nước mà không tiêu thoát được nên phần lớn đã bị úng, thối rữa. “Thông thường những vụ trước, mưa chỉ kéo dài từ 4 đến 5 ngày, kịch lắm là 1 tuần nên vẫn có phương án khắc phục. Lần này mưa ròng rã suốt 2 tuần liền, trạm bơm dù hoạt động hết công suất vẫn không sao cứu vãn được tình hình” – ông Tô thở dài.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Qua kiểm tra tại các tỉnh phía Bắc sau cơn bão số 2 cho thấy, nếu như các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh mặc dù mưa lớn, tuy nhiên do địa hình dễ tiêu thoát nên chỉ 2-3 ngày, các diện tích lúa bị ngập lụt đã được rút hết nước nên cơ bản không xẩy ra ảnh hưởng lớn tới lúa vụ mùa.

Tuy nhiên tại phía Bắc, hai tỉnh gồm Thanh Hóa và Nam Định lại chịu thiệt hại khá nặng nề do ngập lụt trong đợt bão số 2. Tại Thanh Hóa, tổng diện tích lúa bị ngập úng ban đầu lên tới khoảng 4.000 ha. Mặc dù địa phương này đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện để tiêu thoát nước, gồm cả bơm tiêu nhưng do nước từ thượng nguồn sông Mã, sông Chu liên tục đổ về kéo dài nên đến thời điểm này, chỉ cứu được hơn 1.000 ha, còn lại khoảng 3.000 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện như Triệu Sơn, Đông Sơn, Hà Trung vẫn còn ngập sâu trong nước và xem như đã thối hoàn toàn, không còn phương án nào cứu vãn.

Theo ông Sơn, các diện tích lúa bị thiệt hại tại Thanh Hóa đa số đang trong giai đoạn làm đòng hoặc đẻ nhánh. Thời vụ gieo cấy của Thanh Hóa đã kết thúc từ cuối tháng 6/2017, nên các diện tích thiệt hại sẽ phải bỏ đất trống chứ không thể gieo cấy lại được nữa.  

Nam Định chạy đua thời vụ

Tại Nam Định, ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết: Ngay sau cơn bão số 2 đến nay, mưa lớn liên tục đã làm ít nhất khoảng 7.000 ha lúa vụ mùa, trong đó phần lớn là lúa mới gieo sạ bị vùi dập và ngập lụt phải gieo cấy lại.

Ông Điền cho biết, hiện Nam Định đã chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại khẩn trương gieo mạ sân để cấy lại với phương châm nước rút tới đâu, cấy lại tới đó. Đến thời điểm này, đã có khoảng 2.000 ha trong tổng số 7.000 ha lúa bị thiệt hại đã được người dân cấy lại. “Lịch gieo cấy vụ mùa đối với Nam Định vẫn còn có thể kéo dài tới ngày 5/8. Tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo bà con cấy lại hoàn toàn diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày, cố gắng hoàn thành trước ngày 3/8 để không bị quá muộn thời vụ” – ông Điền cho biết.

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho lúa vụ mùa tại một số tỉnh phía Bắc, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nguy cơ dịch bệnh đối với lúa vụ mùa đang rất cao, đặc biệt là tại các địa bàn mà cơn bão số 4 vừa mới đi qua. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, lo ngại: Từ trước khi cơn bão số 2 đổ bộ, qua kiểm tra cho thấy một số diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng tại Hà Tĩnh đã có mật độ sâu cuốn lá rất cao. Các địa phương cần tập trung tối đa lực lượng để tiêu thoát nước, kèm theo các giải pháp kỹ thuật chăm sóc và chỉ đạo của ngành BVTV để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Theo Cục Trồng trọt, bão số 2 và số 4 cũng gây thiệt hại nặng nề đối với rau màu, cây ăn quả, đặc biệt là cây công nghiệp như cao su, sắn, mía… Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích rau màu bị ngập úng và đổ gãy là 13.173 ha, trong đó ngô là 3.512 ha, vừng + đậu + sắn là 4.734 ha; rau các loại là 4.927 ha. Diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp các loại bị ảnh hưởng như gãy cành, long gốc là 7.026 ha tập trung chủ yếu ở Nghệ An (7.490ha).

Đối với cây cao su, tỉnh Quảng Trị có khoảng 300 ha bị gãy đổ do cơn bão số 4. Trước đó, Hà Tĩnh đã có 52 ha, Nghệ An có 700 ha, Thanh Hóa có 43 ha cao su bị gãy đổ do bão số 2 (mức thiệt hại từ 30% trở lên). Trước tình hình này, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các tỉnh đề nghị: Đối với các diện tích rau màu bị ảnh hưởng của mưa bão nhưng vẫn rút được nước và còn khả năng hồi phục, cần phun một số loại thuốc phòng trừ nấm hại, kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân…, chăm sóc bổ sung hoặc bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi để tạo điều kiện phục hồi. 


Theo báo NNVN