Tìm hiểu thực tế tại những cánh đồng sen trong vụ Hè Thu 2022 đã có nhiều diện tích trồng sen của bà con nông dân bị hiện tượng chết cây hoặc không thể phát triển vì từ thân, lá đến gương đều bị ảnh hưởng.

Chú Phùng Văn Nghĩa ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: “Tôi có trồng canh tác 12,5 công sen, trong đó có 06 công là đất cũ, 6,5 công là đất mới. Hiện nay, sen được 02 tháng thấy xuất hiện bệnh làm chết 40,50% diện tích. Vì chưa biết sử dụng thuốc gì nên tôi không biết cách khắc phục ra sao”.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của bà con nông dân, ngành chuyên môn của thị xã Tân Châu cũng đã nhanh chóng đi khảo sát thực tế để tìm ra nguyên nhân gây chết sen. Bước đầu, ông Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, nguyên nhân sen bị chết do nấm Phytopthora tấn công làm cho lá sen khô từ bìa lá đến khô cả lá và gãy lá. Bệnh này cũng tấn công trên gương sen và ngó làm gương sen bị hỏng.

Cán bộ chuyên môn khảo sát tìm nguyên nhân gây chết sen

 

 Ông Tân khuyến cáo, đối với bệnh này, bà con cần phun thuốc đặc trị Ridomil gold 68WG, Aliette 80WP, Matalaxyl 500WP, Insuran 50WG hoặc Phytocide 50WP. Khi phun lại, bà con nên đổi gốc thuốc để tránh làm cho nấm kháng thuốc. Cũng lưu ý, không chỉ quan tâm đến việc sử dụng đúng thuốc, đúng liều, đúng cách trong trị nấm Phytopthora gây bệnh mà bà con nông dân khi trồng sen cần phải thực hiện cân đối nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây và bón phân phù hợp.

“Bà con lưu ý khi thâm canh trồng sen bón quá nhiều phân, nhất là phân đạm làm cho cây sen dễ nhiễm bệnh hơn. Vì vậy, bà con phải giảm bón phân đạm, nên sử dụng phân có hàm lượng kali cao và đạm ít thôi để cây phục hồi, bệnh giảm bớt rồi tăng lượng đạm trở lại. Một số phân bà con có thể sử dụng là 16.16.16; 17.17.17; 18.18.18 hoặc phân 20.20.15,… là những loại phân có tỉ lệ đạm và kali cân đối, do đó bệnh mới giảm lại được” – ông Tân nói.

Ngoài ra, hiện tượng sen nhiễm nấm Phytopthora không chỉ xảy ra trên những ruộng sen cũ mà ngay cả những vùng đất mới trồng sen cũng gặp phải trường hợp tương tự. Nguyên nhân là do bà con lấy giống từ những ruộng đã nhiễm bệnh, vì vậy phải chọn giống ở những ruộng sạch bệnh, không mang mầm bệnh, phải cày xới đất kĩ, bón thêm vôi, sau đó mới cho nước vào, xới lại đất rồi mới tiến hành trồng. Giai đoạn mới trồng lưu ý bón phân cân đối, không bón nhiều đạm, làm cây mềm yếu dễ nhiễm bệnh.

Từ những hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, bà con nông dân trồng sen thị xã Tân Châu sẽ có những giải pháp xử lý mầm bệnh gây chết cây, cũng như áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả từ khâu xử lý đất, chọn giống và sử dụng phân, thuốc phù hợp, đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng thời điểm để trong những mùa vụ mùa trồng sen sẽ đạt năng suất và chất lượng.

Hiện tượng sen nhiễm bệnh

 

Huyền Thoại

Đài Truyền thanh Tân Châu, An Giang